Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua không thể “đua” kịp với tốc độ phát triển phương tiện cá nhân.
Thành phố Hồ Chí Minh đang loay hoay với những giải pháp mà nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận đây là những giải pháp tình thế và chưa có giải pháp bền vững. Vấn đề này xuất phát từ cấu trúc không gian đô thị và những hạn chế trong phát triển không gian đô thị. Chính vì vậy, để giải bài toán ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh cần phải nhìn lại nhiều vấn đề.
Kẹt xe thường xuyên ở khu vực quốc lộ 13 đoạn qua cầu Bình Triệu (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN |
Thành phố Hồ Chí Minh đang loay hoay với những giải pháp mà nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận đây là những giải pháp tình thế và chưa có giải pháp bền vững. Vấn đề này xuất phát từ cấu trúc không gian đô thị và những hạn chế trong phát triển không gian đô thị. Chính vì vậy, để giải bài toán ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh cần phải nhìn lại nhiều vấn đề.
Bài 1: Sức ép lớn từ tăng dân số cơ học
Hiệu quả chưa như mong muốn
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chương trình giảm ùn tắc giao thông đã được các ngành chức năng tập trung giải quyết 37 điểm có ùn tắc trong năm 2017. Đến nay đã có 16 điểm có tình hình chuyển biến tốt, 14 điểm ít chuyển biến và 7 điểm có tình hình giao thông phức tạp.
Để có kết quả trên, ngành giao thông thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, xây công trình và phân luồng, điều chỉnh hướng tuyến nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông với tổng vốn ngân sách đầu tư hơn 11.300 tỷ đồng; trong đó, thành phố đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giảm ùn tắc như: cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn (trước cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất) và nhánh cầu vượt Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).
Tuy nhiên, trong cuộc họp Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá, chương trình giảm ùn tắc giao thông - một trong 7 chương trình đột phá của thành phố, vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trong báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải thành phố, đơn vị này cùng với các đơn vị có liên quan đã thống nhất xóa bỏ 4/37 điểm ùn tắc giao thông, gồm: Xa lộ Hà Nội – Thảo Điền – Quốc Hương (quận 2); đường Lã Xuân Oai (từ cầu Tăng Long đến ngã ba Lò Lu, quận 9); đường Quang Trung khu vực chợ Hóc Môn; khu vực cầu Ông Thìn. Nhưng thành phố lại phát sinh 2 điểm có tình hình giao thông phức tạp khác là đường Dương Bá Trạc (quận 8), Quốc lộ 1- đoạn cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh).
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 35 điểm ùn tắc giao thông chưa được giải quyết. Điều này cho thấy tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của thành phố, các trục ra vào các cảng hàng không, cảng biển.
Phía Sở Giao thông Vận tải thành phố cho rằng, nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, các công trình cải tạo hạ tầng giao thông, thoát nước thi công rào chắn thu hẹp mặt đường... Nhưng có một nguyên nhân chủ yếu là do mật độ giao thông đông, phương tiện lưu thông tập trung đông vào giờ cao điểm, diện tích mặt đường hẹp nên tình trạng phương tiện ùn ứ, di chuyển chậm, nếu xảy ra sự cố không giải quyết kịp thời cũng gây tình trạng ùn ứ...
Có thể dẫn chứng, vào trưa ngày 19/12, một chiếc xe khách loại 47 chỗ mang biển số 29B - 070.88 khi vừa lưu thông qua vòng xoay Lăng Cha Cả theo hướng về ngã tư An Sương thì bất ngờ tông vào thanh chắn giới hạn chiều cao dưới cầu vượt thép. Sự cố trên đã khiến xe khách bị mắc kẹt, thanh chắn bị bung ra ngoài. Do xảy ra trong giờ cao điểm đã khiến giao thông trên tuyến đường Trần Quốc Hoàn theo hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi ra bị ùn ứ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Ngoài 35 điểm ùn tắc giao thông nói trên thì nhiều tuyến đường của thành phố thường xuyên rơi vào tình trạng đông phương tiện, di chuyển chậm. Cụ thể, theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải thành phố, tốc độ di chuyển trong khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm sáng là 22,3 km/giờ, giờ cao điểm chiều là 19,3 km/giờ; khu vực cảng Cát Lái (quận 2) có tốc độ di chuyển chỉ từ 29 – 30 km/giờ vào cao điểm.
“Lúc nào cũng vậy, sáng hay chiều, tôi di chuyển từ quận 12 vào trung tâm thành phố qua đường Cộng Hòa để làm việc hoặc về nhà đều phải chịu cảnh ùn ứ giao thông dù đã có cầu vượt thép. Hệ thống giao thông thành phố ngày càng ngột ngạt, chương trình giảm ùn tắc giao thông của thành phố thực sự chưa đạt hiệu quả vì giảm được ùn tắc điểm này nhưng lại phát sinh thêm điểm khác vì lượng xe cá nhân tăng quá nhanh. Dường như giải pháp của thành phố chỉ đang luẩn quẩn những giải pháp tình thế mà chưa có một giải pháp căn cơ”, ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở quận 12 chia sẻ.
Thiếu bền vững
Những lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở bởi lượng phương tiện xe cá nhân, tốc độ di dân không ngừng gia tăng chóng mặt đã đè nặng lên hệ thống đường giao thông vốn dĩ đã quá tải. Tính đến thời điểm tháng 12/2017, thành phố đang quản lý gần 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 637.000 xe ô tô các loại, hơn 7,3 triệu xe gắn máy. Nếu so sánh với năm 2016, xe ô tô tăng 11%, lượng xe máy tăng 5,4% và tăng tới hơn 63% so với năm 2010. Con số này còn chưa đề cập đến khoảng 1 triệu phương tiện các loại mang biển số các tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố.
Chính vì vậy, trong năm 2018, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai và phấn đấu nâng diện tích đường là hơn 277.000 m2, xây dựng mới 8 cây cầu và tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt tối thiểu 9,2% đất đô thị toàn thành phố. Hiện tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông là 7,91%, thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của một thành phố có quy mô lớn là từ 20-25%.
Mục tiêu nói trên hoàn toàn cần thiết nhưng nếu thành phố xác định trong quy hoạch, phát triển đô thị thì cơ sở hạ tầng giao thông phải đầy đủ thì mới giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông là điều cần phải xem xét lại. Một số chuyên gia giao thông cho rằng, trên thực tế không có quốc gia nào trên thế giới có thể mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông để bắt kịp với sự tăng trưởng nhu cầu giao thông vận tải.
Chính vì thế nhiều hạ tầng giao thông mới xây dựng cũng nhanh chóng bị quá tải và tắc nghẽn giao thông lại tiếp diễn. Như trường hợp ùn tắc giao thông tại hầm vượt sông Sài Gòn vào giờ cao điểm đã trở thành nổi ám ảnh của nhiều người dân là dẫn chứng.
Nếu như tháng 11/2016, lượng xe ô tô qua hầm sông Sài Gòn lần lượt là hơn 11,7 triệu phương tiện và xe máy là 66 triệu phương tiện, thì đến tháng 11/2017, lượng xe ô tô qua hầm đã tăng lên hơn 14,6 triệu phương tiện và gần 76 triệu đối với xe máy. Nếu quy ra mỗi ngày, xe ô tô tăng trung bình 8.868 lượt/ngày, còn xe máy tăng trung bình 30.000 lượt/ngày.
Theo các chuyên gia giao thông, lưu lượng xe qua hầm tăng rất nhanh nhưng trong khi thành phố lại chậm triển khai các dự án cầu, đường kết nối khu Thủ Thiêm với trung tâm thành phố là nguyên dân dẫn đến ùn tắc ở đường hầm vượt sông Sài Gòn. Do đó, trước khi có thể triển khai những giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đồng bộ, Sở Giao thông Vận tải thành phố vừa lên một giải pháp điều tiết giao thông bằng việc ngăn xe ô tô vào trong hầm để ưu tiên cho xe mô tô khi xảy ra tình trạng dồn ứ; bổ sung biển cấm xe ôtô từ hầm từ hai hướng quận 2 và quận 1; tăng thêm một làn đường hướng vào hầm và hướng thoát khỏi hầm cho xe mô tô… nhằm giải quyết “điểm đen” ùn tắc giao thông nói trên./.
Anh Đức
Bài 2: Cần quy hoạch chi tiết và nguồn vốn lớn
Bài 2: Cần quy hoạch chi tiết và nguồn vốn lớn
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN