Nhờ mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất sản xuất cà phê, tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu - nuôi tằm gắn với liên kết sản xuất, nhiều nông dân ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dâu - nuôi tằm còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững tại địa phương.
Những ngày này, gia đình chị Nguyễn Thị Thuận, trú tại thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đang tập trung chăm sóc lứa tằm 10 ngày tuổi để đảm bảo thời gian thu hoạch kén, cung ứng cho cơ sở thu mua. Chị Thuận cho hay, trước đây kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vào vườn cà phê, tiêu nhưng nhiều năm gần đây giá tiêu, cà phê bấp bênh, xuống thấp khiến cuộc sống rất khó khăn.
Để cải thiện nguồn thu nhập, hơn 1 năm nay, gia đình chị quyết định chuyển đổi 1 ha cà phê, tiêu già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu - nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý theo nhu cầu của thị trường đã giúp gia đình chị bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định.
"Gia đình tôi hiện đã cơ bản có thu nhập ổn định hơn so với trước đây nhờ chuyển đổi qua mô hình trồng dâu – nuôi tằm. Trung bình với diện tích 1 ha trồng dâu nguyên liệu và nuôi tằm, trừ hết chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng 300 triệu đồng", chị Thuận chia sẻ thêm.
Nhiều hộ nông dân tại thị trấn Chư Sê tham gia mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm cho biết, vốn đầu tư để trồng dâu nguyên liệu và nuôi tằm không quá cao và kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp nên người dân dễ thực hiện. Đặc biệt, sau thi tham gia liên kết với Nông hội Dâu-Tằm-Tơ Chư Sê để nhập giống và bán sản phẩm, các nông hộ đã có đầu ra ổn định, từ đó có nguồn thu đều đặn hàng tháng.
Ông Mai Văn Vinh, Phó Chủ nhiệm Nông hội Dâu-Tằm-Tơ Chư Sê cho biết, sau hơn 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay nông hội đã có 100 thành viên tham gia với quy mô vùng nguyên hơn 200 ha dâu. Ngoài ra, nông hội còn thu hút gần 300 hộ ở các địa phương trong tỉnh liên kết trồng dâu, nuôi tằm và cung cấp sản phẩm tơ tằm.
Hiện nay, có thể nói mô hình trồng dâu nuôi tằm đang phát triển rất hiệu quả với 60-70% diện tích cây trồng kém hiệu quả trên địa bàn được chuyển đổi. Thực tế cho thấy, trồng dâu nuôi tằm tạo cho bà con nông dân nguồn thu nhập hơn hẳn so với trồng tiêu, cà phê, sắn… do chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nghề trồng dâu nuôi tằm dễ làm, dễ nuôi, không quá lo đầu ra, người nông dân chỉ cần chú trọng đến việc chọn nguồn giống tốt, sạch bệnh thì sẽ nuôi thành công, Ông Vinh cho biết.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Chư Sê rất phù hợp với việc trồng dâu và nuôi tằm. Hiện trên địa bàn huyện có 3 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dâu tằm đang phát huy hiệu quả. Các hợp tác xã, nông hội hỗ trợ người dân các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước con giống, nông cụ và bao tiêu đầu ra. Nhờ đó, sản phẩm kén tằm được các cơ sở chế biến đánh giá cao về chất lượng và trực tiếp thu mua.
“Huyện Chư Sê đã có nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, trong đó chú trọng đến phát triển cây dâu tằm và ngành nghề nuôi tằm. Trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, huyện đã triển khai thí điểm mô hình về trông dâu nuôi tằm trên địa bàn một số xã và bước đầu đã mang lại hiệu quả” – Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết.
Chư Sê là một trong những địa phương của tỉnh Gia Lai triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Đặc biệt, khuyến khích xây dựng các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Việc chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm giai đoạn này là một trong những chương trình đang phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.
Hoài Nam – Xuân Huy