Hiệu quả trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái)

Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà thay cho nuôi bằng nong như trước đây để giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm được thời gian lao động trong chăn nuôi tằm. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN
Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà thay cho nuôi bằng nong như trước đây để giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm được thời gian lao động trong chăn nuôi tằm. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Nhiều năm nay huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chú trọng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm nên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô gần 800 ha và gần 2.000 hộ nuôi tằm; trong đó có hơn 1.500 hộ nuôi tằm lấy kén; sản lượng kén năm 2021 dự kiến đạt 800 tấn với giá bán kén tằm hiện nay là 110.000 đồng/kg tính ra người nuôi tằm sẽ có thu nhập chừng 80 - 90 tỷ đồng từ bán kén tằm.

Hiệu quả trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) ảnh 1Người dân xã Việt Thành, huyện Trấn Yên hái dâu về cho tằm ăn. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: Để vùng trồng dâu phát triển ổn định lâu dài, tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích bà con trồng dâu bằng các giống cây dâu mới, con tằm mới cho năng suất, chất lượng cao hơn các giống cũ. Đồng thời, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi tằm để người dân ứng dụng vào sản xuất trong trồng dâu nuôi tằm, điển hình như áp dụng kỹ thuật nuôi trên nền nhà thay cho nuôi bằng long như trước đây để giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm được thời gian lao động trong chăn nuôi tằm. Cùng với đó, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm.

Hiệu quả trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) ảnh 2Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà thay cho nuôi bằng nong như trước đây để giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm được thời gian lao động trong chăn nuôi tằm. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Thực tế cho thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên đến nay không chỉ giúp xoá đói giảm nghèo, đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà nhiều hộ đã trở lên khá giả xây được nhà cao tầng, mua được ô tô cùng các vật dụng đắt tiền để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Điển hình như các hộ: ông Nguyễn Văn Hà, ông Nguyễn Thế Ngữ ở thôn Lan Đình xã Việt Thành hay hộ ông Nguyễn Văn Cương ở thôn Trúc Đình xã Việt Thành...

Anh Nguyễn Đức Mạnh, trú tại thôn Lan Đình, xã Việt Thành người đang hối hả hái dâu về cho tằm ăn tâm sự: Nhà anh có 2 vợ chồng đều làm công nhân, nhưng do gia đình có 8 sào ruộng bỏ thì phí nên năm 2020 gia đình anh đã xin nghỉ làm công nhân để về làm nông nghiệp. Với giá kén bán hiện nay là 110.000 đồng/kg tính ra mỗi năm mình thu nhập được khoảng 80 triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm chỉ trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Nếu tính tổng thu nhập một năm do chính mình lao động sẽ có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng. Không chỉ cao hơn làm công nhân mà gia đình anh còn trông coi được nhà cửa, đưa đón con đi học hành...

Hiệu quả trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) ảnh 3Giai đoạn tằm làm kén được người dân đưa lên né gỗ chứ không cho tằm nhả tơ quấn kén bằng né tre như trước đây. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Còn ông Nguyễn Văn Hà cũng trú tai thôn Lan Đình, xã Việt Thành chia sẻ, ngay từ năm 2002 khi huyện Trấn Yên có chủ trương đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm vào xã Việt Thành gia đình anh đã chuyển đổi 50% diện tích trồng lúa sang trồng dâu, nuôi tằm. Do nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm hiệu quả hơn nên chỉ sau 4 năm 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình anh đã được đưa vào trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ đó, mỗi năm hai vợ chồng anh cũng thu được 200 - 250 triệu đồng từ trồng dâu, nuôi tằm.

Hiệu quả trong phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) ảnh 4Nguyên liệu cho tằm ăn luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Ảnh: Đức Tưởng - TTXVN

Thời gian tới, huyện Trấn Yên tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, củng cố, kiện toàn lại các hợp tác xã dâu tằm tơ trên địa bàn để làm đầu mối thu mua kén tằm cho người dân và cung cấp các giống tằm cho năng suất cao, chất lượng kén tốt... Đặc biệt, huyện đã chú trọng tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp chế biến tơ, dệt lụa… từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương.

Đức Tưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm