Nhận thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm qua, đồng bào dân tộc ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, thu nhập cải thiện rõ rệt.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Trấn Yên (Yên Bái) hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây dâu cho đồng bào dân tộc. Ảnh: Đức Tưởng
Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển ổn định, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Trấn Yên đưa ra các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đồng bào dân tộc dùng giống dâu mới, tằm mới cho năng suất, chất lượng cao hơn; đồng thời chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, góp phần giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm thời gian lao động…
Nhờ vậy, Trấn Yên đã có vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô 760 ha và khoảng 2.000 hộ nuôi tằm, trong đó có trên 1.500 hộ nuôi tằm lấy kén. Năm 2020, sản lượng kén của Trấn Yên đạt khoảng 800 tấn, giá trị bình quân đạt từ 200 đến 250 triệu đồng/ ha/năm, cao gấp 2,5 - 3 lần so với trồng lúa, các loại cây rau màu khác. Trấn Yên hiện đã quy hoạch vùng sản xuất cũng như diện tích trồng dâu. Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng Trấn Yên dự kiến thu hoạch 800 tấn kén tằm.
Đức Tưởng