Gia Lai tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Vùng chảo lửa huyện Krông Pa (Gia Lai) phát triển vùng chuyên canh mía. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Vùng chảo lửa huyện Krông Pa (Gia Lai) phát triển vùng chuyên canh mía. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có hơn 845.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đây là điểm mạnh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước.

Gia Lai tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp ảnh 1Vùng chảo lửa huyện Krông Pa (Gia Lai) phát triển vùng chuyên canh mía. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo định hướng, Gia Lai tiếp tục định hướng thu hút đầu tư trong nông nghiệp thông qua việc bám sát kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025.

Cụ thể, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau hoa và cây dược liệu… phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gần với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng thị trường và phục vụ du lịch.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện đã thu hút được 50 dự án trồng trọt với quy mô hơn 8.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; trong đó, 29 dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 5 dự án đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư, được nhà đầu tư quan tâm và 12 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư.

Hiện một số dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao như Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Dự án Trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa, Trung tâm giống cây trồng chất lượng cao tại huyện Chư Pưh, Nhà máy chế biến trái cây Quicornac tại thành phố Pleiku, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng (Doveco gia Lai) tại huyện Mang Yang…

Điển hình như sản phẩm LOPANG BANANA của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lần đầu tiên được bán và phân phối qua 81 đại siêu thị ở Hàn Quốc. Sản phẩm chanh dây Gia Lai, lô hàng Việt đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) của Doveco Gia Lai....

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, để nông sản Gia Lai có cơ hội giữ vững chỗ đứng và phát triển thị phần, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu thì điều kiện tiên quyết là phải đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng.

Ngoài lĩnh vực trồng trọt, hiện Gia Lai có 204 dự án chăn nuôi với quy mô trên 100.000 con bò, trên 4 triệu con lợn, gần 60.000 gia cầm với tổng vốn đầu tư gần 35.000 tỷ đồng; trong đó, 62 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, 142 dự án đang xin chủ trương, 25 dự án đã đi vào hoạt động với số lượng hơn 49.000 con bò và hơn 200.000 con lợn.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, Gia Lai có diện tích đồng cỏ rộng lớn, khí hậu ôn hòa rất phù hợp để phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư tại Gia Lai không chỉ góp phần tạo nên mô hình chăn nuôi hiện đại mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai, ngành chăn nuôi của tỉnh đang có nhiều chuyển biến rõ nét, chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, tập trung. Qua đó, nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, theo hướng công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi. Từ đó, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng loài vật nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định. Nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, khép kín tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

"Tỉnh Gia Lai đã tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn thông qua việc tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Với tiềm năng phát triển nông nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp hứa hẹn trong thời gian tới, nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ có bước đột phá, mang lại giá trị gia tăng cho người sản xuất và góp phần phát triển chung cho tỉnh Gia Lai”, ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm