UBND tỉnh Gia Lai vừa phê duyệt chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025 với kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025 của Gia Lai sẽ xây dựng và phát triển 100 ha rau, hoa các loại ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu sản xuất, sơ chế và bảo quản, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, Organic nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường với các loại rau chủ lực, rau bản địa.
Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic với diện tích canh tác khoảng 2.000 ha. Cùng với đó, tỉnh Gia Lai sẽ tập trung tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tập huấn về quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (GAP), GlobalGAP, Organic và sản xuất theo các tiêu chuẩn khác như VietGAP, 4C, UTZ với quy mô gần 300 lớp học.
Cũng tại chương trình khuyến nông này, tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng và phát triển mô hình trồng cây ăn quả có chứng nhận, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và tưới tiết kiệm với quy mô 300 ha và dự kiến hàng năm sẽ nhân rộng 2.000 ha về liên kết sản xuất cây ăn quả các loại. Cùng với đó, Gia Lai cũng sẽ xây dựng và phát triển 250 ha các mô hình trồng cây dược liệu cây dược liệu có ưu thế trên địa bàn tỉnh như đinh lăng, sả, hà thủ ô, sa nhân tím, sâm đá, đương quy... và dự kiến hàng năm sẽ nhân rộng khoảng 200 ha cây dược liệu các loại.
Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai nhận định, chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Gia Lai cũng sẽ chuyển đổi 500 ha đất lúa kém hiệu quả hàng năm sang trồng các loại cây trồng hàng năm có giá trị kinh tế cao hơn như ngô sinh khối, rau, đậu các loại và cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng năm nhân rộng 500 ha mô hình trồng keo các loại, trồng cây gỗ lớn bản địa và chuyển giao kỹ thuật áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Gia Lai cũng sẽ xây dựng 34 mô hình khuyến nông về sử dụng máy móc chăm sóc, chăm sóc, thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng 4 mô hình máy bay phun thuốc ở vùng sản xuất cây trồng tập trung với dự kiến sẽ giảm được 50% chi phí lao động thu hoạch, chăm sóc và bảo quản.
Ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng sẽ phát triển chăn nuôi bằng cách nhân giống đàn bò lai hướng thịt bằng phương pháp phối giống nhân tạo cho 10.000 con bò cái; khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản nước ngọt trên diện tích 4.400 m3 lồng với các loại cá đặc sản trên hệ thống sông, suối và hồ chứa; đặc biệt, phát triển nuôi các loài động vật bản địa như heo sọc dưa, gà Đông tảo, dúi, nhím, hươu, nai, chồn... gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho lao động địa phương.
Theo ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tổng kinh phí cho chương trình khuyến nông giai đoạn 2015-2020 của Gia Lai là 52 tỷ đồng, trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai luôn phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Trong năm 2020, giá trị sản xuất đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm hơn 5%, gấp 1,3 lần so với năm 2015.
Ngoài ra, khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là điều tất yếu góp phần tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, việc Gia Lai chú trọng đầu tư 100 tỷ đồng cho chương trình khuyến nông vào giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết.
Tỉnh Gia Lai có gần 850.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó hơn 400.000 ha đất trồng cây hàng năm và gần 440.000 ha đất trồng cây lâu năm nên có tiềm năng rất lớn về sản xuất nông nghiệp. Do tính chất đặc trưng của đất đai và khí hậu, Gia Lai có thể bố trí một tập đoàn cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có quy mô lớn với những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh.
Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai triển khai các mô hình trên 20 đối tượng cây trồng trên diện tích gần 1.400 ha, ngành chuyên môn đã hỗ trợ 100.000 cây trồng các loại và 15 tấn lúa giống với kinh phí trên 31 tỷ đồng cho nông dân trên địa bàn; 11 mô hình chăn nuôi với kinh phí trên 10 tỷ đồng cho các mô hình phối giống bò, heo và các mô hình nuôi các động vật đặc sản địa phương; trồng gần 300 ha cây mắc ca và dược liệu trên địa bàn với kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca tại huyện Kbang và cây dược liệu tại các địa phương như Ia Pa, An Khê, Kong Chro, Krông Pa; các mô hình nuôi cá lúa, cá lồng bè để khai thác trên 15.000 ha mặt nước sông suối, hồ chứa trên địa bàn.
Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh Gia Lai có gần 99.000 ha cây trồng được sản xuất theo tiêu chuẩn có chứng nhận; hầu hết các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn, sản phẩm OCOP, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều được truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào sản xuất thay dần các giống cũ có năng suất và chất lượng thấp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng được mở rộng nhất là các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Đồng thời, thông qua các chương trình khuyến nông, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến và tiết kiệm nước ngày càng được mở rộng, đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có gần 30.000 ha cây trồng được tưới tiết kiệm nước, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Hồng Điệp