Giữ màu xanh cho những cánh rừng giáp ranh ở Chư Pưh, Gia Lai

Cán bộ kiểm lâm phối hợp với tổ cộng đồng làng Ia Ke, xã Ia Phang (Chư Pưh) tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN
Cán bộ kiểm lâm phối hợp với tổ cộng đồng làng Ia Ke, xã Ia Phang (Chư Pưh) tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Huyện Chư Pưh (Gia Lai) có địa hình rất phức tạp với hầu hết diện tích núi rừng giáp ranh với các địa phương trong tỉnh và tỉnh Đăk Lăk nên tiềm ẩn cao nguy cơ rừng bị tàn phá trái phép. Để hạn chế tối đa tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, huyện Chư Pưh đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho tổ cộng đồng làng, qua đó phát huy sức mạnh đoàn kết từ nhân dân kịp thời phát hiện và ngăn ngừa những hành vi phạm.

Giữ màu xanh cho những cánh rừng giáp ranh ở Chư Pưh, Gia Lai ảnh 1Cán bộ kiểm lâm phối hợp với tổ cộng đồng làng Ia Ke, xã Ia Phang (Chư Pưh, Gia Lai) tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Điển hình là mô hình giao khoán tại xã Ia Phang cho 43 hộ dân làng Ia Ke quản lý và bảo vệ 500 ha rừng trong tổng số hơn 3.100 ha rừng của địa phương. Để nâng cao năng lực quản lý, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh còn bố trí một kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tích cực tổ chức tuần tra nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi khai thác, vận chuyển gỗ, củi và xóa các lò đốt than bằng cây rừng trên địa bàn.

Ông Rah Lan Phu, Tổ trưởng Tổ khoán bảo vệ rừng làng Ia Ke, xã Ia Phang chia sẻ, sau khi được xã giao khoán, bà con trong tổ rất phấn khởi và có tinh thần quản lý, bảo vệ rừng rất cao. Bởi vì, thông qua việc nhận khoán, bà con có thêm thu nhập và được hưởng những lợi ích thiết thực từ rừng.

Giữ màu xanh cho những cánh rừng giáp ranh ở Chư Pưh, Gia Lai ảnh 2Cán bộ kiểm lâm phối hợp với tổ cộng đồng làng Ia Ke, xã Ia Phang (Chư Pưh) tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Chủ tịch UBND xã Ia Phang Trần Hoàng cho biết, để nâng cao trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong quản lý và bảo vệ rừng, xã đã phân công cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên cùng Tổ cộng đồng đi tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn ngừa những hành vi xâm hại đến rừng; hàng tuần tổ chức tuyên truyền đến bà con nhân dân các vùng lân cận, vùng cận rừng không phá rừng làm nương rẫy và giải quyết chế độ chính sách cho bà con. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương đã có tiến triển tốt hơn, tình trạng xâm hại rừng đã được hạn chế tối đa.

Huyện Chư Pưh hiện có hơn 21.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố ở 6 xã; trong đó rừng tự nhiên gần 12.000 ha, rừng trồng hơn 1.600 ha chủ yếu là cao su, keo và bạch đàn. Diện tích rừng không tập trung, địa hình phức tạp, chủ yếu nằm ở những khu vực giáp ranh và có nhiều tuyến đường giao thông đi. Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn.

Khắc phục thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh đã tăng cường 8 kiểm lâm viên trực tiếp xuống phụ trách địa bàn 6 xã có rừng để hỗ trợ xây dựng các tổ, đội quần chúng quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm củng cố kiện toàn 13 Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng cấp cơ sở, 9 tổ đội lực lượng nòng cốt tại cơ sở là công an viên, dân quân tự vệ với hơn 900 người tham gia. Song song với đó là việc nâng cao nhận thức cho người dân cũng được đặc biệt quan tâm ngay từ đầu mùa khô. Theo đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với hệ thống chính trị các xã tổ chức 12 đợt tuyên truyền về các quy định bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng, phòng cháy chữa cháy rừng với hơn 720 lượt người dân.

Nhờ đó, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn huyện đã được kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả; số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp được kéo giảm đáng kể. Trong năm 2020, cơ quan chức năng của huyện Chư Pưh chỉ phát hiện và lập biên bản 40 vụ, giảm 8 vụ so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Ông Phạm Văn Đạo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh cho biết: địa phương đã giao khoán bảo vệ gần 500 ha rừng cho cộng đồng người dân trên địa bàn.Việc khoán bảo vệ những diện tích rừng này được giao trực tiếp cho người dân nhằm tạo sinh kế tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ưu tiên cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng để phát huy hiệu quả giữ rừng.

Giữ màu xanh cho những cánh rừng giáp ranh ở Chư Pưh, Gia Lai ảnh 3Lãnh đạo xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) trao đổi nhiệm vụ bảo vệ rừng với tổ cộng đồng làng Ia Ke. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng quyết liệt tổ chức tuần tra truy quét, việc giao khoán này rất thiết thực, bởi những diện tích rừng đã giao được người dân bảo vệ nghiêm rất ngặt. Mọi tác động đến rừng đều được người dân kịp thời phát hiện và ngăn chặn.

Những nỗ lực triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng cùng sự vào cuộc của người dân và hệ thống chính trị là phương án hữu hiệu để hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên vùng giáp ranh của huyện Chư Pưh.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm