Đại biểu tham quan những sản phẩm OCOP tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Mục tiêu của hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về những kết quả đạt được của chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, khuyến khích tỉnh Gia Lai hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2019 – 2020, phát triển tối thiểu đạt 51 sản phẩm OCOP, riêng trong năm 2019 đạt ít nhất 17 sản phẩm. Cùng với đó, hàng năm mỗi huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải có ít nhất 1 – 2 sản phẩm, dịch vụ được thực hiện theo chu trình OCOP. Tại hội thảo, PGS.TS Trần Văn Ơn cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển nông thôn. Đặc biệt trong đó, các sản phẩm nông nghiệp trong nước khó thâm nhập được thị trường nước ngoài do yêu cầu khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra, kinh tế vùng nông thôn Việt Nam chủ yếu phát triển theo hình thức hộ gia đình, nên không thể đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính. Bên cạnh đó, quá trình di cư ra các khu đô thị, các khu công nghiệp của người dân, đặc biệt lứa tuổi lao động đang dần “giết chết” sự phát triển của các vùng nông thôn. Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS Trần Văn Ơn cho biết, có 3 điểm mấu chốt đó là người dân đề xuất sản phẩm OCOP trước, Nhà nước có chính sách hỗ trợ sau; thi đánh giá và phân hạng các sản phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm phải có tỉ lệ nguyên liệu của địa phương, không chấp nhận các sản phẩm 100% nguyên liệu ngoại nhập; phát huy các nguồn lực về vốn, văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh của Nhà nước và cộng đồng.
Đại biểu tham quan những sản phẩm OCOP tại Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN |
Nhờ đó, giai đoạn 2013 – 2016, chương trình OCOP tại Quảng Ninh đã đạt được một số thành tựu cụ thể về hệ thống tổ chức OCOP từ tỉnh đến xã; hình thành một số chính sách cho OCOP; xây dựng và triển khai chu trình OCOP thường niên; hình thành mới hoặc tái cơ cấu các hợp tác xã, doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm, đánh giá và phân hạng… Riêng tại Gia Lai, PGS.TS Trần Văn Ơn nhấn mạnh, sản phẩm đặc trưng của tỉnh rất phong phú, từ nông nghiệp cho đến du lịch đều rất có lợi thế trong việc xây dựng và phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, để thành công cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, bởi nông nghiệp chỉ tạo ra nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, OCOP vẫn còn nhiều lĩnh vực khác như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, rượu, văn hóa, thể thao, du lịch… rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. “Để phát triển được tiềm năng, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tổ chức hội nghị để đánh giá và xác định sản phẩm xây dựng theo chương trình OCOP. Thực tế, các sản phẩm OCOP do người dân quyết định và bỏ vốn, Nhà nước sẽ hỗ trợ các phần mà người dân còn yếu, như có thể cho vay vốn đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn, bao bì, mẫu mã, hay việc tiếp thị sản phẩm, đưa các sản phẩm từ người dân ra thị trường. Tuy nhiên, điều đầu tiên là người dân phải tin vào các sản phẩm của chính mình”, PGS.TS Trần Văn Ơn phân tích. Là địa phương nổi bật trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Gia Lai, huyện Mang Yang dự kiến thực hiện hai sản phẩm OCOP trong năm 2019 là gạo Ba Chăm xã Đắk Trôi và Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết, các sản phẩm OCOP đều xuất phát từ lợi ích của người dân và là những sản phẩm đặc trưng, nổi bật tại địa phương. Hiện nay, huyện Mang Yang mới chỉ đang triển khai các bước ban đầu trong xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Ba Chăm, song giá trị và giá thành sản phẩm đang dần được nâng lên, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế cho người sản xuất. Ngoài thương hiệu gạo Ba Chăm, Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, huyện Mang Yang còn có các sản phẩm khác như du lịch homestay kết nối với du lịch văn hóa cộng đồng người dân tộc thiểu số Banar, sản phẩm nước ép chanh dây và dứa cô đặc… "Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân vùng nông thôn để họ mạnh dạn đưa các sản phẩm của mình tham gia chương trình OCOP", ông Trọng cho biết thêm. Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ hướng dẫn cho các địa phương trong tỉnh hoàn thiện bộ máy tham mưu, giúp việc cho chương trình OCOP; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình OCOP; tham mưu cho tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm vào tháng 10/2019.
PGS.TS Trần Văn Ơn, Giảng viên cao cấp trường Đại học Dược Hà Nội, cố vấn chương trình mỗi xã một sản phẩm Quốc gia chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP. Ảnh: Hoài Nam – TTXVN. |
Riêng đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình OCOP cấp huyện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương và phát triển du lịch dịch vụ ở nông thôn. Bên cạnh đó, cần bố trí nguồn lực, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn khuyến công, ngân sách địa phương… để tổ chức triển khai thực hiện chương trình OCOP; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai chương trình OCOP trên địa bàn để thông tin, báo cáo định kỳ về cơ quan thường trực chương trình OCOP cấp tỉnh. Theo đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Gia Lai dự kiến thực hiện 17 sản phẩm OCOP trong năm 2019 như gà nướng Tân Sơn, gạo Ba Chăm, bò một nắng, khoai lang Lệ Cần… với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Năm 2020, tỉnh tiếp tục dự kiến xây dựng 34 sản phẩm OCOP đặc trưng như tiêu đen, tiêu sọ, xà phòng Dã Quỳ, mật nhân…
Nguyễn Hoài Nam