Một gia đình Mexico đã vô tình phát hiện hóa thạch xương hàm và đùi của một loài thú thuộc bộ Proboscidea (bộ Có vòi, bộ Voi hay bộ Mũi dài) có khả năng là voi ma mút, với niên đại khoảng 10.000 năm trong quá trình xây bể chứa nước ở sân sau nhà.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, số hóa thạch trên được tìm thấy ở thành phố Ixtlahuaca thuộc bang Estado de México, cách thủ đô Mexico City khoảng 100 km. Người dân địa phương sau đó đã thông báo cho Viện Lịch sử và Nhân chủng học Quốc gia (INAH).
Theo nhà khảo cổ học Ana Laura Navarro Martínez của INAH, hiện vẫn chưa thể xác định được những hóa thạch này có phải là của cùng 1 cá thể hay không. Nhà nghiên cứu cho biết đến nay, các hóa thạch chỉ cho thấy sinh vật vừa đề cập thuộc bộ Proboscidea và phải đợi các chuyên gia về động vật khổng lồ (megafauna) tiến hành phân tích thì mới có thể kết luận hóa thạch này có phải của voi ma mút Colombia hay không. Ở những khu vực lân cận như San Mateo Atenco y Metepec đều đã từng phát hiện hóa thạch răng của voi ma mút.
Chi Voi ma mút hay Voi lông dài (danh pháp khoa học: Mammuthus) tồn tại ở thế Thượng tân, vào khoảng 4,8 triệu năm đến 4.500 năm trước và cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích chính xác nguyên nhân voi ma mút tuyệt chủng. Đã có nhiều hóa thạch voi ma mút được tìm thấy ở Mexico. Thậm chí, việc phát hiện các mẫu vật trong quá trình xây dựng Sân bay quốc tế Felipe Ángeles (AIFA) đã tạo cảm hứng xây dựng bảo tàng voi ma mút trong sân bay mới này.
Hồng Hạnh