Giá chanh leo xuống thấp chỉ còn 3.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ dân không muốn thu hoạch, để chanh rụng đầy vườn. Vì giá thuê công thu hái còn nhiều hơn giá bán của diện tích chanh leo được thu hái.
Đây là tình trạng chung của nhiều loại nông sản tại Gia Lai khi người dân tự ý ồ ạt phát triển diện tích cây trồng mà không theo định hướng của ngành nông nghiệp địa phương.
Tại một số địa phương có diện tích trồng chanh leo lớn như: huyện Chư Păh, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang… thương lái đến thu mua bán cho các nhà máy sản xuất chỉ khoảng 2.500-3.000 đồng/kg đối với chanh múc (chanh chiết dịch), còn chanh bán ngoài chợ được thu mua với giá khoảng 5.000 đồng/kg. Trong khi, chỉ khoảng vài tháng trước, giá chanh mức vẫn giao động trên 10.000 đồng/kg.
Giá chanh leo trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp giảm sâu, khiến nhiều hộ dân lo lắng, hoang mang vì thời gian gần đây, thấy chanh leo được giá, người dân đã ồ ạt mở rộng diện tích, gây mất kiểm soát nguồn cung. Thậm chí, nhiều hộ dân còn bi quan tính chuyện phá bỏ vườn chanh leo để chuyển sang các loại cây trồng khác.
Đến thăm vườn chanh leo khi anh Trần Văn Thành, thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh đang cặm cụi nhặt từng quả chanh rụng cho vào bao tải để sẵn. Anh Thành cho biết, năm trước khi thấy giá chanh leo tăng cao, người dân trên địa bàn huyện Chư Păh ồ ạt gom đất tái canh từ cây cà phê để trồng chanh leo.
Thấy vậy, anh cũng quyết định xuống giống chanh leo trên diện tích 1,5 ha của gia đình. Tổng số tiền đầu tư vườn chanh leo hết hơn 200 triệu đồng, gia đình dự kiến sau 5 tháng sẽ cho thu hoạch, lợi nhuận thu về sẽ gấp 3 lần so với khoản tiền đầu tư. Tuy nhiên, khi bước vào thu hoạch, giá chanh leo giảm xuống còn 8.000 đồng/kg, rồi tiếp tục xuống 5.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại, thương lái đến thu mua chỉ 3.000 đồng/kg.
Anh Thành cho hay, đến thời điểm chín buộc phải bán nếu không quả cũng rụng đầy vườn cộng với mùa mưa kéo dài, quả chanh càng kém chất lượng nên giá thấp thì người dân cũng phải bán. Với giá này, vụ thu hoạch chanh leo năm nay của gia đình xem như thua lỗ.
Đang phá bỏ vườn chanh dây 6 sào của gia đình, anh Trần Văn Hải, thôn 76, xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa, cho biết, vườn chanh leo của gia đình trồng được hơn 1 năm, trước đó thu hoạch cũng được vài lần với giá trên 10.000 đồng/kg. Nhưng sau đó, giá ngày càng đi xuống, mới nhất thương lái đến thu mua chỉ có 2.500 đồng/kg, nếu tính chi phí đầu tư thì bị lỗ nên gia đình anh quyết định phá bỏ chanh leo để trồng hoa màu.
Tỉnh Gia Lai hiện có hơn 5.000 ha diện tích trồng chanh leo, tăng gần 500 ha so với năm 2022. Diện tích chanh leo năm 2022 của tỉnh hơn 4.000 ha, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2018; giai đoạn 2019 - 2022 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,69%/năm. Theo đề án phát triển chanh leo của tỉnh Gia Lai, định hướng đến năm 2025 là 25.000 ha, đến năm 2030 khoảng 30.000 ha và duy trì ổn định diện tích chanh leo đến năm 2040 khoảng 30.000 ha.
Ngoài ra, Gia Lai còn có khoảng 20 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng đã được cấp mã số và 3 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chanh leo lớn đang hoạt động tuy nhiên, giá chanh leo vẫn liên tục lao dốc khiến người trồng hoang mang.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) cho biết, khi thấy giá chanh leo tăng cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích dẫn đến cung vượt quá cầu. Khi đó, chanh dây sẽ bị ép giá khiến người dân chịu thiệt. Bên cạnh đó, chịu ảnh hưởng bởi giá chanh leo xuống thấp khiến nhiều người dân không đầu tư chăm sóc vườn cây dẫn đến chất lượng quả ngày càng kém đi. Nếu chanh đạt chất lượng, hợp tác xã vẫn thu mua cho người dân giá từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Đoa nhận định, giá chanh dây xuống thấp ở mức 3.000 đồng/kg, xem như người dân không có lãi. Do đó, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo với bà con, đối với những vườn chanh dây đảm bảo phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, người dân vẫn tiến hành chăm sóc bình thường, không nên phá bỏ vườn cây.
Còn đối với những vườn chanh dây già cỗi cho năng suất kém, bệnh tật thì nên thâm canh trồng các loại cây thời vụ để cải tạo đất tốt hơn. Do địa phương không quyết định được thị trường chanh dây nên người dân hạn chế mở rộng đầu tư, đồng thời canh tác theo hướng hữu cơ để đảm bảo vườn cây phát triển ổn định, giảm được chi phí, nâng cao năng suất mùa vụ.
Còn theo ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt tỉnh Gia Lai, hiện, chanh leo Việt Nam xuất khẩu sang nhiều thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Australia, Nga, Canada... nhưng thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Lý do chanh leo rớt giá là do thời điểm này Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch chanh leo nên sức mua của Trung Quốc đối với chanh leo Việt Nam bị giảm. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc bị bão lũ và sau dịch COVID-19 nhiều người dân Trung Quốc có thu nhập thấp, ít việc làm nên sức mua của Trung Quốc giảm, dẫn đến chanh leo rớt giá.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, việc phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả nói chung, và chanh leo nói riêng đang là xu hướng của người dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, nếu phát triển diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, trồng theo phong trào; không theo định hướng, kế hoạch của địa phương, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hệ lụy khó lường, khi “cung vượt quá cầu”, dư thừa, giá thấp, sẽ đi vào vết xe đổ của cây “cao su, hồ tiêu” và phải giải cứu nông sản như “dưa hấu, khoai lang” trước đây.
Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới chanh leo. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; thực hiện sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, thực hiện rải vụ thu hoạch linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường.
Hồng Điệp