Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà" cho Hợp tác xã nông nghiệp Bạch Hà. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN |
Do nằm dưới chân các dãy núi, nên Bạch Hà có tiểu vùng khí hậu tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23 độ C, ngày nắng đêm lạnh. Tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, khiến cho cây lúa tích trữ được năng lượng, giúp cho hạt gạo Bạch Hà thơm ngon đặc biệt. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, xã Bạch Hà đã và đang thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản xã Bạch Hà, giai đoạn 2013 - 2016” và các năm tiếp theo. Nhờ đó, sản xuất lúa trên địa bàn xã Bạch Hà có nhiều chuyển biến tích cực. Xã đã quy hoạch 100 ha để gieo cấy các giống lúa thơm làm hàng hóa xuất bán ra thị trường, bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa thơm chất lượng cao làm hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gạo Bạch Hà. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, năm 2014, gạo Bạch Hà đã vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái tặng danh hiệu "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” và thường xuyên được trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, hội thảo sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và huyện. Với sản lượng lúa đạt trên 1.500 tấn/năm, gạo Bạch Hà sản xuất ra không những đảm bảo lương thực cho hơn 4.000 nhân khẩu trong xã mà mỗi năm còn dư trên 550 tấn thóc để bán ra thị trường. Gạo Bạch Hà đã trở thành một sản phẩm nông nghiệp mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Phát biểu tại buổi lễ trao Giấy chứng nhận, Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, nhãn hiệu tập thể “gạo Bạch Hà” được bảo hộ, ngoài niềm vui của cộng đồng các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cũng đặt ra nhiều yêu cầu thách thức về công tác quản lý và sử dụng để phát huy được giá trị, hiệu quả trên thị trường. Hy vọng những nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp sẽ phát huy được giá trị, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, thị trường một cách hiệu quả và bền vững. Hiện tại, nhiều sản phẩm của tỉnh Yên Bái như: Gạo Mường Lò, quế Văn Yên, bưởi Đại Minh, cam Văn Chấn, khoai sọ Lục Yên, chè shan tuyết Suối Giàng, gạo nếp Tú Lệ…là những đặc sản được Nhà nước bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Việc gạo Bạch Hà được trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá các sản vật của tỉnh Yên Bái, là cơ sở, tiền đề để người dân, doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái có thể tổ chức sản xuất, thương mại một cách ổn định, tránh được sự lạm dụng trên thị trường.
Việt Dũng