Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững: Đứng đầu khu vực về tăng trưởng GRDP (Bài 1)

Cầu Nà Khan được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2023 giúp đồng bào tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đi lại thuận tiện. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN
Cầu Nà Khan được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2023 giúp đồng bào tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đi lại thuận tiện. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp và có những cách làm sáng tạo, hiệu quả đưa nghị quyết vào cuộc sống. Qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết làm rõ chủ đề trên.

Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững: Đứng đầu khu vực về tăng trưởng GRDP (Bài 1)  ảnh 1Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quang Đán - TTXVN

Bài 1: Đứng đầu khu vực về tăng trưởng GRDP

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Tuyên Quang chủ động, linh hoạt, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, kịp thời cụ thể hóa, tổ chức triển khai 3 khâu đột phá và những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nhiều lĩnh vực quan trọng có sự phát triển và tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,46%, đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Phát huy tinh thần quê hương cách mạng

Tuyên Quang là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi khắc ghi sâu đậm hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc trong cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp.

Phát huy truyền thống mảnh đất giàu lịch sử, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tuyên Quang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Chính phủ. Trọng tâm là tập trung thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.

Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đồng lòng chung sức, tích cực quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; thực hiện hiệu quả nội dung lãnh đạo, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là động lực quan trọng để vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhờ vậy, năm 2023, Tuyên Quang cơ bản hoàn thành chỉ tiêu chủ yếu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, nhiều công trình, dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng, tháo gỡ "điểm nghẽn" về hạ tầng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thu hút đầu tư.

Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững: Đứng đầu khu vực về tăng trưởng GRDP (Bài 1)  ảnh 2Cầu Nà Khan được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2023 giúp đồng bào tại thôn Nà Nghè, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) đi lại thuận tiện. Ảnh: Vũ Quang - TTXVN

Điển hình là khánh thành đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài tuyến 40,2 km tổng mức đầu tư hơn 3.712 tỷ đồng. Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m, tốc khai thác tối đa 90km/h. Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có ký hiệu toàn tuyến là CT.02, điểm đầu ở xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, điểm kết thúc tại nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai trên địa phận thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Đây là Dự án đường bộ cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh và là một trong những dự án cao tốc đầu tiên giao địa phương làm chủ đầu tư.

Đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững: Đứng đầu khu vực về tăng trưởng GRDP (Bài 1)  ảnh 3Tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác cuối tháng 12/2023. Ảnh: Quang Đán - TTXVN


Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào khai thác là dấu mốc quan trọng, niềm vui lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuyến cao tốc mở ra không gian phát triển mới, giúp mở rộng liên kết vùng, tăng lợi thế cạnh tranh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong vùng, giúp giảm tải cho Quốc lộ 2, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội từ 2 giờ 30 phút xuống chỉ còn hơn 1 giờ đồng hồ. Không những vậy, tuyến cao tốc này tạo khí thế mới và xung lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.

Tập trung thúc đẩy liên kết vùng

Năm 2023, GRDP Tuyên Quang đạt 7,46%, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 2/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố cả nước. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 11.310 tỷ đồng, tăng 4,6%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,7%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 3.287 tỷ đồng, đạt trên 102% so với dự toán kế hoạch; thu hút 2,6 triệu lượt khách, đạt 106% kế hoạch, tổng thu từ khách du lịch 3.200 tỷ đồng...

Để có những kết quả trên, Tuyên Quang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tỉnh tích cực phát huy thế mạnh nông nghiệp, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát thực tiễn, tạo đà mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn bứt phá...

Tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp thế mạnh như, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp; công nghiệp may, da giày; công nghiệp phụ trợ, thủy điện, chế biến. Với mục tiêu "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tỉnh Tuyên Quang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm có tác động liên vùng và có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh có những định hướng và đầu tư lâu dài về du lịch, qua đó, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả cao...

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh thúc đẩy liên kết vùng, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, trọng tâm là bám sát triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang; tập trung phát triển hai hành lang của vùng là Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang và Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng. Phát triển trung tâm chế biến gỗ của vùng tại Tuyên Quang trong mối liên kết với Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Kạn. Xây dựng Hành lang du lịch Cao Bằng - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội.

Tuyên Quang tiếp tục tập trung nguồn lực, chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện hiệu quả Đề án, Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tỉnh tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới. Địa phương chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản và hộ gia đình, đặc biệt là sự phối hợp để triển khai hiệu quả 6 chương trình chuyên đề...

Về sản xuất công nghiệp và thu hút đầu tư, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tập trung thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có giá trị kinh tế cao, thân thiện môi trường. Đặc biệt thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch. Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, rào cản, "điểm nghẽn" gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, tỉnh tiếp tục đầu tư hạ tầng du lịch tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào; triển khai các Đề án, Chương trình, kế hoạch phát triển du lịch góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và đóng góp một phần cho ngân sách, thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp chuyển đổi số như, tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng số; ưu tiên đầu tư hạ tầng, nền tảng số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đưa vào sử dụng chính thức Phần mềm số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang tại các cơ quan nhà nước ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC)...nhằm mục tiêu nâng thứ hạng trong xếp hạng chuyển đổi số cả nước.

Tuyên Quang xác định năm 2024 là năm tăng tốc bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu phấn đấu GRDP tăng 9% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,7%; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; trồng mới 10.100 ha rừng tập trung, tỷ lệ che phủ của rừng đạt trên 65%; thu hút trên 2,7 triệu lượt khách du lịch; tạo việc làm cho trên 22 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều xuống dưới 3%...

Quang Đán - Thu Huyền

 Bài 2: Nghị quyết hợp "ý Đảng lòng dân"

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm