Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuyên Quang đang triển khai Dự án "Liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hỗ trợ cho 100 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh.
Dự án được triển khai tại 6 xã: Đông Thọ (huyện Sơn Dương); Trung Minh và Hùng Lợi (huyện Yên Sơn); Yên Lâm, Yên Phú, Minh Hương (huyện Hàm Yên) với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Tại Xã Đông Thọ, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ hai con bò giống H’Mông để nuôi sinh sản, trong đó có một con bò đã phối giống hoặc một con bê đi kèm. Mỗi hộ được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để làm chuồng chăn nuôi bò, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Gia đình anh Lý Văn Tiên, thôn Tân An, xã Đông Thọ thuộc hộ cận nghèo. Tháng 8/2023, gia đình anh được hỗ trợ hai con bò cái sinh sản của Dự án. Sau khi nhận bò về nuôi, để bò phát triển và sinh sản tốt, cùng với việc chú trọng xây dựng chuồng trại, anh Tiên còn chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Sau gần 5 tháng chăm sóc, bò cái sinh sản được một con bê, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Anh Lý Văn Tiên phấn khởi cho biết, gia đình anh có 5 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu là làm nương, rẫy, khai thác gỗ thuê, cuộc sống rất khó khăn. Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ hai con bò cái sinh sản để có thêm nguồn thu nhập lâu dài, gia đình anh rất phấn khởi, cố gắng chăm sóc thật tốt để bò sinh sản đều, tăng nguồn thu cho gia đình.
Giống như hộ anh Lý Văn Tiên, gia đình anh Ngô Văn Kinh (thôn Tân An, xã Đông Thọ) được hỗ trợ hai con bò cái sinh sản và một con bê. Hiện tại, đàn bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, bò mẹ đang có chửa lứa thứ 2. Anh Ngô Văn Kinh cho biết, được hỗ trợ bò cái sinh sản, gia đình anh rất phấn khởi, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm giúp các gia đình đồng bào dân tộc Mông có sinh kế bền vững vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện có 7 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Cao Lan, Nùng, Mông, Tày. Đặc biệt, thôn Tân An có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong số 145 hộ của thôn thì 120 hộ là hộ nghèo, cận nghèo. Cuộc sống của các gia đình gặp không ít khó khăn do nguồn tư liệu sản xuất ít. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, những năm qua các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của xã đã được đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Để phát triển kinh tế, ngoài chăn nuôi, trồng trọt các cây trồng, vật nuôi truyền thống, nhiều hộ đồng bào trên địa bàn xã đã phát triển kinh tế rừng, đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi những mặt hàng đặc sản, tạo nguồn hàng hóa có giá trị cao để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương giảm nhanh.
Ông Nguyễn Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, nhận thức được công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số là yếu tố quan trọng, không chỉ giúp đồng bào thoát nghèo mà còn là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã lồng ghép triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa nguồn sinh kế cho đồng bào. Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai tại xã rất kịp thời và thiết thực đối với đồng bào nơi đây. Dự án không chỉ tạo sinh kế, tăng thu nhập, giúp đồng bào Mông vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen, cải tạo giống bò H’Mông bản địa, hình thành vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu thịt bò H’Mông tại địa phương.
Ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, dự án đặt mục tiêu hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo vùng khó khăn, tạo sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Sau gần 5 tháng triển khai, dự án bước đầu phát huy được hiệu quả, đàn bò phát triển tốt, khỏe mạnh. Đến nay, hàng chục bê con được sinh ra, còn phần lớn bò cái đang mang thai, kiến sẽ sinh con vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Dự án đã góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình giảm nghèo bền vững trên tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Quang Cường