Tỉnh Sóc Trăng có trên 35% dân số là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng quan tâm việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho bà con. Qua đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Một trong những địa phương thực hiện tốt Chương trình này là thị xã Ngã Năm, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc
Tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), địa phương có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Năm 2023, nhiều chính sách hộ trợ phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc nơi đây đã tạo điều kiện cho bà con dân tộc Khmer từng bước vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Nguyễn Phước Hữu (ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm), gia đình không đất sản xuất, nhờ có mô hình đan lát lục bình của chính quyền địa phương phát động thực hiện nên đời sống gia đình ông nói riêng và đồng bào dân tộc Khmer nơi đây từng bước khấm khá. Đặc biệt, nếu như trước kia gia đình làm thuê làm mướn sống qua ngày, thu nhập bấp bênh, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày, thì từ khi khi tham gia vào đan lát, thu nhập mới ổn định dần. Hiện nay, hàng ngày trừ các khoản chi phí sinh hoạt, gia đình tích lũy từ 200.000 đồng.
Ông Trần Trọng Khang, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Hòa, (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho hay, hiện tại, toàn ấp Vĩnh Hòa có 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan lát lục bình, trong đó, mỗi hộ có từ 1-3 nhân khẩu tham gia, với thu nhập bình quân từ 70.000-100.000 đồng/người/ngày. Mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập không chỉ riêng ở ấp Vĩnh Hòa, mà lan rộng ra nhiều ấp khác như, ấp Vĩnh Kiên, ấp Vĩnh Đồng, ấp Vĩnh Trung…
Gia đình anh Ngô Vũ Hùng (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) có 4 thành viên, nếu như trước đây sản xuất 0,3 ha lúa kém hiệu quả, chi tiêu gia đình khó khăn, thì nay, nhờ chính quyền địa phương mở lớp đào tạo nghề trồng trọt ngắn hạn và chuyển giao kỹ thuật trồng cây mãng cầu gai nên gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng cây mãng cầu gai. Hiện gia đình có hơn 300 gốc (cây) đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm đem về lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Đối với hộ ông Nguyễn Văn Kiệt (ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) là hộ nghèo không đất sản xuất, năm 2023 được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn gần 10 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ông mạnh dạn mua 100 con vịt xiêm (ngan) để chăn nuôi. Sau thời gian gần 3 tháng nuôi, gia đình xuất ông bán với giá từ 60.000–70.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 10 triệu đồng.
Thời gian tới, với số vốn được hỗ trợ cộng với số tiền lợi nhuận, gia đình tiếp tục thực hiện mô hình nuôi vịt xiêm, với quy mô tăng gấp đôi so với số lượng nuôi ban đầu. Theo ông Kiệt, việc hỗ trợ nguồn vốn như hiện tại rất có ý nghĩa với bà con hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số ở địa phương, chính quyền đã trao “cần câu” làm điều kiện cho bà con vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lý RoTha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chương trình, Sóc Trăng đã tập trung triển khai các tiểu dự án trong vùng đồng bào, đặc biệt, tỉnh quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc đúng đối tượng và theo quy định.
Từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Các hộ dân tộc thiểu số được thụ hưởng đều phát huy hiệu quả tích cực trong phục vụ sản xuất, từ đó tăng thêm thu nhập từng bước thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ kịp thời
Theo ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021 – 2025) tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thị ủy, UBND thị xã Ngã Năm, đồng bào dân tộc thiểu số rất đồng thuận và phấn khởi về chủ trương triển khai chương trình.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Lơ, năm 2023, tổng nguồn vốn hỗ trợ sinh kế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 1,7 tỷ đồng, địa phương đã ra soát nhu cầu của hộ nghèo trong việc sản xuất để hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, lồng ghép các lớp tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra sản phẩm trong sản xuất nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương sản xuất hiệu quả, thu nhập ổn định từ việc thụ hưởng chương trình.
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, ông Kim Thái Phong thông tin, trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu tại địa phương, thị xã Ngã Năm đã triển khai thực hiện công khai, dân chủ, hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời nên bước đầu, chương trình đã đem lại hiệu quả cho người dân nghèo.
Nếu thời điểm đầu năm 2023, toàn thị xã có 688 hộ hộ nghèo (chiếm 3,4%), hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 9.9%, sau thời gian triển khai thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo kết hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021-2025), đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm còn 1,4%, riêng đồng bào dân tộc Khmer tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,98% (còn 53 hộ nghèo).
Để tiếp tục đẩy nhanh việc giảm nghèo, trong thời gian tới, Thị ủy, UBND thị xã Ngã Năm đang tiếp tục chỉ đạo các cấp ngành địa phương tăng cường truyền thông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, nhất là việc hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho người dân tộc thiểu số; tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn của địa phương đảm bảo đúng quy định và hiệu quả, đúng tiến độ, với các nội dung, danh mục chương trình, dự án theo phê duyệt.
Đánh giá chung về Chương trình giảm nghèo; trong đó, có Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, thông qua chương trình này, con em đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo khó khăn trong tỉnh đã được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh ước giảm 13.929 hộ nghèo, từ 22.409 hộ đầu nhiệm kỳ xuống còn 8.480 hộ; trong đó hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3-4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu.
Tuấn Phi