Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh Tiền Giang

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh Tiền Giang

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang Lý Văn Cẩm, năm 2023, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tỉnh chỉ còn 4.925 hộ nghèo, chiếm 0,97% tổng số hộ toàn tỉnh, giảm 0,43% số hộ nghèo so với năm 2022. Để đạt được kết quả này, Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành hữu quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… hướng tới các mục tiêu cụ thể giúp người dân phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Qua đó, đã tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn như vùng ven biển, các cù lao nhiễm mặn trên sông Tiền, vùng Đồng Tháp Mười...

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh Tiền Giang ảnh 1Làng cá phơi khô Vàm Láng cung cấp cho thị trường 1.500 tấn khô cá các loại. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Tỉnh chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn như: Trợ vốn hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi bò giảm nghèo tại các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông hoặc vùng kiểm soát lũ phía Tây; mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười… Từ đó, người lao động có thêm việc làm, cải thiện thu nhập kinh tế.

Nằm trong vùng ngọt hóa Gò Công, huyện Gò Công Tây chú trọng triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế hộ nghèo phù hợp với đặc thù địa phương mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Huỳnh Thanh Bình cho biết, năm 2023, huyện đã triển khai dự án chăn nuôi bò giảm nghèo tại 6 xã gồm: Đồng Thạnh, Bình Nhì, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Yên Luông và Thạnh Trị. 32 hộ nghèo được hưởng lợi với mức hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò cái sinh sản trị giá 18 triệu đồng.

Huyện Gò Công Tây hiện có trên 30.000 con bò, tăng hàng ngàn con so với năm 2022. Đây là vật nuôi chủ lực giúp cho các hộ dân nông thôn tăng thu nhập, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo và lập thân lập nghiệp. Nhờ làm tốt công tác giải quyết sinh kế cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững, huyện đã được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.

Được nhận hỗ trợ từ dự án một con bò sinh sản, chị Châu Thị Mai (ngụ ấp Thạnh Lạc, xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây) phấn khởi chia sẻ, gia đình chị nghèo, không có đất canh tác phải làm thuê, làm mướn kiếm sống. Với 1 con bò sinh sản được hỗ trợ, hằng năm, chị có thêm thu nhập nhờ vào tiền bán bê con. Cuộc sống gia đình chị dần ổn định.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững của tỉnh Tiền Giang ảnh 2Nghề dệt chiếu góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nữ nông thôn. Ảnh: Minh Trí – TTXVN

Huyện Châu Thành (nằm trong vùng Đồng Tháp Mười) luôn quan tâm phát triển ngành nghề truyền thống, giải quyết sinh kế cho lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững. Cụ thể như nghề dệt chiếu tại xã Long Định đang phát triển, thu hút hàng trăm lao động nữ nông thôn với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Nghề dệt chiếu đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, an cư lạc nghiệp. Làng nghề dệt chiếu Long Định được tỉnh công nhận là một trong 13 làng nghề tiêu biểu.

Được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang hỗ trợ vốn ưu đãi, được tập huấn về kỹ thuật và kiến thức kinh doanh cơ bản khởi nghiệp thông qua Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", chị Võ Thị Hậu (ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè) mở cơ sở may gia công túi xách, giải quyết việc làm cho lao động nữ. Hiện cơ sở may gia công của chị thu hút trên 60 lao động nữ (trong đó có 2 chị là người khuyết tật) với mức thu nhập ổn định từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, chung sức cùng địa phương giảm nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Hải cho biết, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang đã vận động đóng góp Quỹ "Vì người nghèo" được gần 33 tỷ đồng. Từ nguồn vận động được, Tiền Giang đã xây được 694 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 53 căn nhà giúp các hộ nghèo giải quyết khó khăn về nhà ở, trợ vốn phát triển sản xuất cho hàng trăm hộ nghèo; trao quà dịp lễ, Tết cho 3.670 lượt hộ nghèo… Qua đó, các hộ nghèo đã vượt khó, thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm