Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo

Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo

Nhận thấy trồng cây quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi) mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, nhiều người dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã nhân rộng, trồng loài cây này. Quả quýt có chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Nhờ trồng cây quýt hoi, nhiều hộ dân vùng cao đã nâng cao thu nhập, với 1 ha quýt cho sản lượng 6 tấn, thu nhập 90 triệu đồng/ha, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo ảnh 1Vườn quýt Hoi tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Cây quýt hoi vốn mọc tự nhiên trên sườn núi cao, tại các thôn, bản xa trung tâm huyện miền núi Bá Thước, cây đã có từ 100 năm trước và mọc trên sườn núi cao thuộc núi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cây quýt hoi có quả nhỏ và có hương thơm đặc biệt, ăn vào thấy đậm lưỡi, mát họng, thông mũi. Nhận biết đây là loại dược liệu quý nên người dân thường dùng vỏ quýt làm trà uống chữa bệnh ho hen, lá quýt được dùng chế biến các món ăn dân tộc Thái.

Để phục hồi và phát triển giống quýt này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, UBND huyện Bá Thước đã vận động người dân trồng cây quýt hoi, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ. Đến nay, huyện Bá Thước đã có gần 800 hộ trồng quýt hoi trên điện tích 80 ha, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm.

Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo ảnh 2Quả quýt Hoi trồng tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN

Bên cạnh đó, mùa thu hoạch quýt hoi từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Mỗi năm 1 ha quýt thường cho sản lượng 6 tấn, thu nhập 90 triệu đồng/ha, để cải thiện thêm nhu nhập nhiều hộ dân đã mở thêm dịch vụ trải nghiệm, giá trị của những quả quýt này lại càng tăng lên, đó là kết hợp kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn, mở dịch vụ trải nghiệm tham quan và hái quýt.

Ông Ngân Văn Hiên, xã Thành Sơn cho biết, gia đình ông trồng cam quýt này từ năm 1997, tới nay đã có một vườn quýt rộng 3 ha. Nhờ tuân thủ kĩ thuật, cũng như chăm sóc, bón phân đầy đủ, tới nay vườn quýt đang cho thu nhập 150 triệu đồng/năm, sản phẩm quýt luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để nâng cao thu nhập, gần đây, gia đình ông đã chuyển sản trồng quyt hoi gắn với du lịch sinh thái với một lượng khách đến tham quan hàng tuần ổn định, nhờ đó gia đình đã thoát nghèo.

Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo ảnh 3Phân loại quýt Hoi trước khi chế biến. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN

Ông Hà Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, cho hay, những năm gần đây xã định hướng phát triển quýt hoi. Các hộ trồng quýt hàng năm có thống kê lại tổng diện tích mà bà con muốn trồng, lập danh sách lên, để xã kết hợp với viện nghiên cứu để cung cấp giống cho bà con nhân dân. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND xã đã kết hợp cùng các doanh nghiệp để tiêu thụ quýt hoi. Gần như lượng quýt hoi không đủ cung cấp cho bên ngoài. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình nơi đây trồng quýt hoi gắn với phát triển du lịch cộng đồng vì nơi đây gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Tại xã Ban Công, có 50 hộ dân đã trồng quýt, để phát triển loại cây này, UBND xã Ban Công đã vận động các hộ dân trồng phục tráng theo kỹ thuật mới. Đến nay, nhiều diện tích trồng cây quýt hoi đều phát triển tốt, dự kiến cho thu nhập cao trong vụ Tết năm 2024.

Theo anh Hà Chỉnh, xã Ban Công cho biết, ngày trước anh Chỉnh đi làm thuê ở nhiều nơi để mưu sinh. Năm 2018, sau khi biết địa phương có chủ trương trồng phục tráng, phát triển cây quýt, anh đã quyết định mua giống của các hộ dân trong xã để thực hiện mô hình trồng quýt hoi. Tới nay, anh Chỉnh đã có hơn 2 ha trồng quýt, sản phẩm được bán cho các tiểu thương trong tỉnh Thanh Hóa trong dịp cận Tết, thu nhập đạt 200 triệu/năm.

Theo UBND huyện Bá Thước, giai đoạn 2022 - 2025, huyện đặt mục tiêu mở rộng diện tích lên 100 ha nhằm bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình, góp phần giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định. Đặc biệt, sản phẩm quýt đã được Công ty TNHH PuLuong Cuisine thu mua và chế biến ra 3 loại sản phẩm gồm: trà quýt, siro, dung dịch tẩy rửa.

Trồng quýt hoi giúp người dân giảm nghèo ảnh 4Sản phẩm Trà quýt Hoi được sơ chế từ quả quýt Hoi trồng tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN

Để hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai dự án “Phục tráng và phát triển giống quýt Hoi Bá Thước”, dự án đã trồng 3.000 cây quýt tại thôn Ba, xã Ban Công và thôn Éo Kén, xã Thành Sơn trên diện tích 4 ha. Hiện, dự án đã thực hiện thành công, chọn được cây đầu dòng để nhân giống ra F0, F1 trồng thương phẩm. Nhờ đó người dân đã được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống quýt sạch bệnh, kỹ thuật trồng mới, chăm sóc và phòng sâu bệnh hại.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước khẳng định, vụ Tết 2024, bà con trồng quýt sẽ tập trung thu hoạch để xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng quýt; đồng thời, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm