Xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Trước kia đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, cây quýt Nam Sơn được trồng xung quanh nhà, đồi. Nhưng, do giao thông đi lại khó khăn, việc giao thương còn hạn chế dẫn đến việc cây quýt Nam Sơn bị thu hẹp diện tích, dần bị mai một.
Để phục hồi cây quýt bản địa này, chính quyền và người dân địa phương đã từng bước quy hoạch, phát triển cây quýt Nam Sơn trở thành một thương hiệu có tiếng. Đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Quýt Nam Sơn thường được người dân địa phương gọi là “quýt cổ”, vì chẳng ai biết cây quýt có trên đất Vân Sơn từ bao giờ, chỉ biết cây quýt đã ở đất Vân Sơn từ trước năm 1950. Quýt Nam Sơn với ưu điểm nổi tiếng bởi vỏ mỏng, múi dày, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng.
Thời điểm này, khắp các sườn đồi dọc các xóm Tớn, Bương, Rồ, Xôm… ở xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, quýt cổ Nam Sơn sai trĩu cành, vàng rực cả một vùng đồi núi, các nhà vườn phải sử dụng que chống để cây không bị gãy, đổ. Dọc theo tuyến đường liên xóm, xe tải nối đuôi nhau thu mua quýt tận vườn. Bà con phấn khởi bởi chưa năm nào giá quýt cổ Nam Sơn cán mốc 40.000 đồng/kg như hiện nay.
Nhà vườn của anh Bùi Văn Tùng, xã Vân Sơn (Tân Lạc) có trên 1 ha với 1.000 gốc quýt; trong đó, 500 gốc đang trong thời kỳ kinh doanh. Từ trung tuần tháng 11, anh Tùng và gia đình đã tập trung thu hái để đảm bảo nguồn cung cho tư thương thu mua tại vườn. Bình quân mỗi ngày gia đình xuất ra thị trường 1 tấn quýt, giá bán ổn định 40.000 đồng/kg, tư thương chủ yếu đến từ Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên...
Anh Tùng phấn khởi chia sẻ, "Những năm trước, giá quýt cổ Nam Sơn chỉ từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng năm nay, hầu hết các nhà vườn đều bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, tùy mẫu mã sản phẩm. Quýt cổ hái đến đâu tư thương thu mua đến đấy, không phải mang ra chợ phiên để tiêu thụ hoặc bày bán dọc đường như trước kia nữa”.
Anh Hà Công Hữu, hộ trồng quýt cổ tại xóm Bách, xã Vân Sơn (Tân Lạc) cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, không xảy ra mưa nhiều, cùng với việc chăm sóc đảm bảo đúng kỹ thuật, nên cây quýt không bị sâu bệnh. Chất lượng quả cũng đẹp hơn, quýt có vị ngọt thanh, múi mọng nước. Vụ quýt nhà anh Hữu, đến cuối tháng 12 mới chín rộ, nhưng hiện đã có nhiều thương lái đã đặt hàng mua cả vườn.
Đến nay, trên địa bàn xã Vân Sơn đã nhân rộng diện tích trồng cây có múi đạt gần 250 ha; trong đó, chủ yếu là các giống quýt cổ, một số diện tích mới trồng cam Canh, cam lòng vàng cũng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Sản lượng trên 1 ha trong thời kỳ kinh doanh có thể thu về từ 3 - 4 tấn quả.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế đem lại từ trồng quýt Nam Sơn, hiện cây trồng này được trồng phổ biến tại 17/17 xóm trên địa bàn xã Vân Sơn. Một số hộ đã cải tạo, xóa bỏ diện tích vườn tạp để trồng quýt cổ và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn làm trước để áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc, do đó hạn chế tối đa sâu bệnh trên cây. Bên cạnh đó, nhiều nhà vườn tạo mối liên kết với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, đảm bảo giá thành ổn định, không bị tư thương ép giá.
Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, ông Hà Văn Hà cho biết, xác định quýt cổ Nam Sơn là một trong những cây trồng chủ lực, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, nhân rộng diện tích. Thời gian tới, xã mong muốn các sở, ban, ngành quan tâm, hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để bảo tồn giống và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo mối liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ với giá thành ổn định.
Quýt Nam Sơn dễ trồng, được thiên nhiên ưu đãi, ít sâu bệnh lại có sức đề kháng tốt, chu kỳ thu hoạch của cây kéo dài, cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, UBND huyện Tân Lạc đã đón nhận bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Quýt Nam Sơn - xã Tân Lạc”.
Những nỗ lực của chính quyền và người dân Vân Sơn đã giúp cây quýt có điều kiện phát triển, vươn xa ra thị trường trong nước; đồng thời, hướng đến xây dựng quýt cổ Nam Sơn trở thành nông sản đặc trưng chất lượng cao, giúp các hộ nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thanh Hải