Lãnh đạo Sở KH & CN trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Quýt Nam Sơn - Tân Lạc cho chủ sở hữu (Hội Nông dân xã Nam Sơn). Ảnh: baohoabinh.com.vn |
Những năm gần đây, kinh tế của huyện Tân Lạc phát triển khá; trong đó, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể (33,7%). Với nhiều nỗ lực, huyện đã tập trung phát triển một số sản phẩm mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương như su su Tân Lạc, bưởi đỏ Tân Lạc và sản phẩm được công nhận năm 2018 là nhãn hiệu tập thể quýt Nam Sơn - Tân Lạc.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây có múi, quýt trồng trên đất Nam Sơn cho chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, vị thơm đặc trưng, múi quả nhiều nước, vị chua ngọt đậm đà và năng suất cao. Diện tích quýt trồng hiện đạt trên 80 ha; trong đó, 20 ha đã cho thu hoạch.
Xác định xây dựng nhãn hiệu tập thể là hướng đi chiến lược, cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, UBND xã Nam Sơn và cộng đồng hộ trồng quýt trên địa bàn đã điều tra, khảo sát, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Các đại biểu thăm quan gian hàng quýt Nam Sơn. Ảnh: baohoabinh.com.vn |
Sau một thời gian thực hiện, quýt Nam Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 882476/QĐ - SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 310260 cho nhãn hiệu tập thể quýt Nam Sơn - Tân Lạc.
Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc Đinh Công Sứ cho biết, sau khi được công nhận văn bằng bảo hộ, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển cây quýt trên địa bàn xã Nam Sơn; phát triển sản xuất quýt từng bước gắn với bảo quản, dịch vụ và thị trường tiêu thụ; xây dựng địa điểm giới thiệu sản phẩm quýt Nam Sơn gắn với các sản phẩm nông sản của huyện; bảo vệ nhãn hiệu tập thể, nâng tầm danh tiếng, giữ gìn uy tín, chất lượng cho quýt Nam Sơn, quả có múi đặc sản ở vùng núi cao.
Nhan Sinh