Ngày 19/7/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Từ đó, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin...
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai hiệu quả. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng nguồn vốn giải ngân được của năm 2022 là 31.858 triệu đồng, đạt gần 67% kế hoạch. Cũng trong năm 2022 toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo, 3.527 hộ cận nghèo trong đó có 3.031 hộ nghèo và 1.353 hộ cận nghèo Khmer. Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt gần 90%...
Việc phát triển làng nghề đan lát Phước Qưới góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer ở xã Phú Tân (Châu Thành, Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu
Mô hình trồng màu hiệu quả của một nông hộ Khmer ở phường Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu
Nuôi bò – một trong những giải pháp hiệu quả giúp bà con Khmer vùng nông thôn ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: An Hiếu
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021-2023, Sóc Trăng đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm. Vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa, tỉnh đã xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng, từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%.
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 846 lượt hộ nghèo, 2.124 hộ cận nghèo và 5.662 hộ mới thoát nghèo, với tổng số tiền gần 346,6 tỷ đồng để phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Diện mạo Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) ngày nay. Ảnh: An Hiếu
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Có dịp đến thăm thị xã Vĩnh Châu, sẽ thấy diện mạo mới của một thị xã đang thay da đổi thịt từng ngày, 100% đường ô tô đến trung tâm thị xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp (trong đó hộ dân tộc Khmer là 22.051 điện kế, đạt 99%).
Gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3-4%. Còn tại thị xã Ngã Năm, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ vốn, cho vay ốn ưu đãi, đã có nhiều tấm gương nông dân với những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng sen, nuôi vịt xiêm, nuôi lươn, trồng nấm rơm...
Dự án Khu dân cư Trà Sết thuộc phường Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nhằm hỗ trợ cho người dân nghèo về đất ở, đất sản xuất và nhà ở để ổn định cuộc sống. Ảnh: An Hiếu
Hành tím là loại cây trồng giúp bà con nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, mục tiêu giảm nghèo bền vững. Với nhiều cách làm phong phú, thiết thực đã góp phần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác giảm nghèo bền vững; giúp cán bộ phụ trách và nhân dân tiếp cận và nắm vững hơn về các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội; từng bước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Để thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sóc Trăng xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thường xuyên theo dõi, tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Tuyến đường giao thông nông thôn ở xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được bê tông hóa rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con Khmer trong vùng. Ảnh: An Hiếu
Trường mẫu giáo Trung Bình, xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) được xây dựng khang trang, với đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của các trẻ em trên địa bàn. Ảnh: An Hiếu
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, tuyên truyền phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả; Tổ chức tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giảm nghèo phải có chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, tận tâm, sâu sát, có phương pháp vận động quần chúng, vững kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là các cán bộ ấp, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, xác định đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo tự vươn lên, chính quyền địa phương là cầu nối, vận động, kêu gọi doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp giảm nghèo...
Thu Hương