Tạo nguồn đảng viên trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang

Tạo nguồn đảng viên trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang

Công tác phát triển Đảng, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không kết nạp được Đảng viên mới. Tuy nhiên, ở Đảng bộ xã Yên Lâm, xã miền núi của huyện Hàm Yên, nơi có đến trên 72% đồng bào là đồng bào dân tộc thiểu số, công tác phát triển Đảng lại có nhiều khởi sắc.

 Theo ông Hoàng Sơn Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lâm, Đảng bộ xã xác định, xây dựng đội ngũ Đảng viên gương mẫu sẽ góp phần giúp thay đổi tư duy, đời sống và phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, khắc phục mọi khó khăn, Đảng bộ xã Yên Lâm đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp. Đảng bộ đẩy mạnh tuyên truyền vận động; luân chuyển đội ngũ cán bộ thôn bản; phát hiện, bồi dưỡng các quần chúng trẻ là thành viên của các tổ chức hội...

Tạo nguồn đảng viên trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang ảnh 1Đảng viên Mã Thị Bí (người đứng) dạy may trang phục Mông cho phụ nữ thôn Quảng Tân. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Từ năm 2020 đến nay, Đảng bộ xã đã kết nạp được 22 đảng viên mới, đạt 150% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đứng đầu toàn huyện về công tác phát triển đảng. Riêng năm 2023, Đảng bộ đã kết nạp được 10 đảng viên trẻ dưới 40 tuổi; phát hiện và rèn luyện 24 quần chúng ưu tú, chuẩn bị nguồn phát triển bổ sung cho những năm tiếp theo; kiện toàn 100% bí thư chi bộ là đảng viên trẻ dưới 40 tuổi có năng lực, trình độ, học vấn.

Năm 2021, theo phân công của Đảng ủy xã Yên Lâm, anh Lý Văn Bắc, cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Yên Lâm về làm Bí thư Chi bộ thôn Quảng Tân. Anh Lý Văn Bắc cho biết, thôn Quảng Tân 100% là đồng bào Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức của nhân dân còn nhiều hạn chế, thường xuyên bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ. Để phát triển đảng, Chi bộ đã tích cực nâng cao chất lượng sinh hoạt, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên trong mọi hoạt động nhằm tạo niềm tin cho nhân dân; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể của thôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi giúp quần chúng ưu tú phát huy hết khả năng, từng bước bồi dưỡng lý tưởng về Đảng. Hai năm qua, chi bộ thôn Quảng Tân đã phát hiện, bồi dưỡng được 4 quần chúng ưu tú, trong đó đã kết nạp được 2 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 11.

Là đảng viên trẻ mới được kết nạp Đảng tháng 6/2023, chị Mã Thị Bí (dân tộc Mông, sinh năm 1996) là đảng viên nữ đầu tiên và trẻ tuổi nhất của thôn Quảng Tân. Chị cho biết, bản thân phấn đấu vào Đảng để hiểu thêm chính sách của Đảng, Nhà nước tuyên truyền cho người Mông thay đổi tư duy lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới. Chị Bí đã vận động được 5 cặp vợ chồng người Mông trẻ bỏ tà đạo, chăm chỉ làm ăn, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước; vận động các em gái dân tộc Mông đi học nghề để thay đổi cuộc sống, đẩy lùi nạn tảo hôn. Phát huy trách nhiệm của người đảng viên, chị Bí khởi xướng và thành lập các đội văn nghệ để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông.

Cùng với thôn Quảng Tân, thôn Tháng 10 xã Yên Lâm huyện Hàm Yên trước đây, nhiều năm liền liên tục kết nạp được các đảng viên mới. Chị Nguyễn Thị Nghĩa, Bí thư Chi bộ thôn Tháng 10 chia sẻ, Chi bộ đã lựa chọn quần chúng là cá nhân hoạt động tích cực trong thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, vận động, giới thiệu cho Đảng. Đồng thời, Chi bộ rà soát, bồi dưỡng, tạo nguồn trẻ từ các phong trào hoạt động của tổ chức đoàn, hội. Chi bộ thôn Tháng 10 hiện có 22 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên trẻ.

Chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1990, Bí thư chi đoàn thôn Tháng 10, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm) vừa được kết nạp Đảng tháng 3/2023. Chị cho biết, những năm trước, việc tiêu thụ cam tại địa phương gặp nhiều khó khăn do giá thành xuống thấp, lượng cam rụng gây lãng phí và thiệt hại cho người dân. Chị Cúc và một số đảng viên trong thôn đã bàn bạc, thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm, đầu tư máy móc để chế biến cam sấy. Đồng thời, chị Cúc hướng dẫn các thành viên Hợp tác xã trồng và chăm sóc cam theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá thành. Sản phẩm cam sấy của Hợp tác xã đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm đã cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn cam sấy khô. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ được đảm bảo. Đời sống của thành viên Hợp tác xã và người dân trên địa bàn được ổn định hơn.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm về công tác phát triển Đảng, ông Hoàng Sơn Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Lâm cho biết, việc phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp sát với thực tiễn từng địa phương, thôn, bản. Việc rèn luyện, bồi dưỡng lý tưởng về Đảng và xác minh cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng mất nhiều thời gian và công sức, yêu cầu chi bộ và chính quyền các địa phương cần kiên trì, không ngại khó, ngại khổ.

Đảng ủy xã chỉ đạo các thôn bản và tổ chức hội tích cực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ngay tại địa phương để giữ chân thanh niên lập thân, lập nghiệp trên chính quê hương; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí…Bên cạnh đó, cấp ủy tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm thu hút người trẻ tuổi tham gia, từ đó tìm ra những “hạt giống” để giúp đỡ, giới thiệu được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Vũ Quang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm