Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế

Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế

Mắm và nước mắm Lê Gia ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường trong 5 năm trở lại đây nhưng đã từng bước chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế ảnh 1 Sản phẩm "Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt" và "Mắm tôm Lê Gia". Ảnh: Khiếu Tư -TTXVN

Ước mơ nâng tầm nước mắm truyền thống

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm nước mắm Khúc Phụ, nước mắm như đã gắn vào máu thịt của chàng trai trẻ Lê Anh, sinh năm 1985 tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Bản thân gia đình anh cũng làm nghề sản xuất nước mắm truyền thống, nhưng sản phẩm mới chỉ dừng lại ở các thị trường nhỏ lẻ.

Với tình yêu, niềm đam mê và ước mơ nâng tầm nước mắm truyền thống, năm 2012, chàng trai trẻ Lê Anh đã từ bỏ công việc kỹ sư xây dựng ở một công ty nước ngoài để trở về quê hương bắt đầu "khởi nghiệp". Lê Anh đã trải qua những thời điểm lao đao, khốn khó vì những khó khăn chồng chất tưởng chừng không thể đứng vững.

Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế ảnh 2Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia tạo công ăn việc làm chính thức cho gần 20 lao động địa phương và hơn 10 lao động thời vụ. Ảnh: Khiếu Tư -TTXVN

Tuy nhiên, bằng nghị lực, khát vọng của tuổi trẻ, cùng với sự kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu và hướng đi riêng đã xác lập sản xuất nước mắm và các sản phẩm từ mắm theo phương pháp truyền thống, nguyên bản như nước mắm truyền thống vốn có từ xa xưa của cha ông, Lê Anh đã từng bước vượt qua các khó khăn, cản trở, thất bại… Nhờ đó, đến nay, Lê Anh đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà kho khép kín, có năng lực sản xuất và phân phối năm 2019 đạt 500.000 lít nước mắm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép/năm.

Năm 2020 dự tính đạt 650.000 lít nước nắm và 260 tấn mắm tôm, mắm tép, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. Không chỉ làm nước mắm, Lê Anh còn phát triển các sản phẩm từ mắm gồm mắm nêm, mắm ruốc, mắm kho quẹt, mắm tôm, mắm tép… làm gia vị chế biến nhiều món ăn của các vùng miền khác nhau trong cả nước.

Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế ảnh 3 Công đoạn đóng gói, dán mác sản phẩm bằng dây truyền hiện đại. Ảnh: Khiếu Tư -TTXVN

"Khi bắt đầu khởi nghiệp, với tôi đó là một số 0 tròn trĩnh. Thứ duy nhất tôi có đó là niềm đam mê và tình yêu với mắm truyền thống. Nhìn lại lúc đó mới thấy mình quá liều. Chỉ nghĩ thích là làm thôi, vì nếu phân tích thị trường và chuẩn bị các bước bài bản cho khởi nghiệp – với nước mắm truyền thống thì chắc không ai dám làm, bởi vì đặc thù ngành mắm truyền thống vô cùng gian khó, sản xuất vất vả, thời gian sản xuất ít nhất từ 1,5-2 năm mới có sản phẩm.

Bên cạnh đó vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, vòng quay tài chính không tối ưu… và hơn hết là việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong hoàn cảnh nước mắm công nghiệp chiếm phần lớn thị phần và thị phần ít ỏi còn lại của nước mắm truyền thống thì có rất nhiều tên tuổi lâu năm." Lê Anh chia sẻ.

Đưa hương vị mắm xứ Thanh chinh phục thị trường quốc tế ảnh 4Các sản phẩm từ mắm và nước mắm Lê Gia đang có mặt ở hầu hết các chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam. Ảnh: Khiếu Tư -TTXVN

Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia của chàng trai 8X Lê Anh đang tạo công ăn việc làm chính thức cho gần 20 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 8-15 triệu đồng/tháng và hơn 10 lao động thời vụ.

Bên cạnh đó, mỗi năm xưởng sản xuất tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia còn tiêu thụ cho bà con ngư dân khoảng 200 tấn cá biển và hơn 100 tấn muối. Các sản phẩm từ mắm và nước mắm Lê Gia đang có mặt ở hầu hết các chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam như AEON, Vinmart, Vinmart+, Big C, Mega Market, các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và các đại lý ở các tỉnh, thành khác trong cả nước.

Chinh phục thị trường quốc tế

Không bằng lòng với những gì đã làm được, Lê Anh luôn trăn trở làm sao để đưa sản phẩm của quê hương, từ biển mẹ vươn xa hơn nữa ra thị trường quốc tế, đến với kiều bào Việt Nam và người dân của các quốc gia trên thế giới. Với tâm niệm xem nước mắm như tấm hộ chiếu ẩm thực của người Việt, Lê Anh muốn cùng mọi người nâng tầm nước mắm truyền thống Việt, khiến thế giới xem đó như 1 đặc sản đại diện cho văn hoá ẩm thực Việt.

Bắt đầu được thông quan từ giữa năm 2019, các sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống mang nhãn hiệu Lê Gia được xuất khẩu đi 3 quốc gia đầu tiên là Nga, Nam Phi và Hàn Quốc. Đầu năm 2020, các sản phẩm mắm và nước mắm của Lê Gia đã có mặt Nhật Bản. Hiện Lê Anh đang tiếp tục xúc tiến để đưa sản phẩm truyền thống địa phương mình đi thị trường Hoa Kỳ và các nước EU.

Để có được những sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn như ngày hôm nay, suốt 8 năm qua, Lê Anh đã tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại của huyện Hoằng Hóa, của tỉnh Thanh Hóa, của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Thông qua đó, anh tìm thêm thông tin, tiếp cận các khách hàng trong và ngoài nước để kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Lê Anh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia luôn nỗ lực để mang lại những trải nghiệm sản phẩm cho người dùng tốt nhất có thể thông qua thiết kế bao bì, ví dụ như sự tiện lợi của nắp nút điều chỉnh lượng rót, chai lọ nhập khẩu, hộp xách quà tặng sang trọng tinh tế và hoạt động chăm sóc khách hàng từ tâm. Việc phát triển kênh phân phối cả online và offiline đã giúp khách hàng thuận lợi, dễ dàng trong việc chọn lựa sản phẩm. Bằng cú click chuột, inbox là khách hàng có thể nhận mắm ở nhà, dù bất cứ nơi đâu.

Tháng 10/2020, "Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt" và "Mắm tôm Lê Gia" là 2 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 2 sản phẩm OCOP đại diện cho tỉnh Thanh Hoá đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia. Hiện Hội đồng chuyên ngành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020 đã chọn sản phẩm "Mắm tôm Lê Gia" của tỉnh Thanh Hoá là sản phẩm có nhiều tiềm năng đạt 5 sao...

Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá cho biết, căn cứ báo cáo của các chủ thể sản phẩm, có 2 sản phẩm là "Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt" và "Mắm tôm Lê Gia" (huyện Hoằng Hóa) được đánh giá nâng hạng 5 sao và chọn đề xuất Trung ương xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Có thể khẳng định đây là 2 sản phẩm tiêu biểu nhất của xứ Thanh đảm bảo tính đặc sắc bản địa, chủ thể gắn bó với cộng đồng địa phương, có đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng sản phẩm, có quy trình quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó, các sản phẩm này đã xuất khẩu ra nhiều nước trong khu vực và còn có nhiều tiềm năng để xuất khẩu ra các thị trường khó tính."

Chia sẻ những dự định trong tương lai, Lê Anh cho biết Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đang đầu tư dự án mở rộng nhà xưởng, nâng cao quy mô sản xuất gấp 3 công suất hiện tại, phấn đầu hoàn thành vào cuối năm 2021 đồng thời không ngừng cải tiến chất lượng, ra mắt các dòng sản phẩm mắm truyền thống tự nhiên, nỗ lực xúc tiến xuất khẩu sản phẩm để mang giá trị văn hóa cha ông đến với bạn bè quốc tế.

Cùng với đó, chàng trai trẻ này cũng đang có mong muốn mang mô hình Edu-Tourist tức là du lịch gắn với trải nghiệm và giáo dục – kết hợp sản xuất với du lịch trải nghiệm làng nghề tại nơi đặt xưởng mắm đầu tiên (thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) cho du khách trực tiếp tham quan, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống đồng thời giới thiệu, quảng bá về văn hoá ẩm thực của vùng quê biển xứ Thanh, về du lịch Hải Tiến tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Hy vọng, cùng với tình yêu, niềm đam mê và sức trẻ, chàng trai 8X Lê Anh cùng đội ngũ của mình sẽ đưa nước mắm và các sản phẩm từ mắm của đất Hoằng Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung vươn cao, vươn xa hơn nữa tới bè bạn 5 châu.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm