Đồng Tháp bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một

Đồng Tháp bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một

Đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; trong đó, có các làng nghề đan lờ, lợp, cần xé, bội, lưới, thúng, rổ và làng nghề truyền thống đóng xuồng ghe, đan mê bồ, sản xuất bột.

 Ông Huỳnh Minh Tuấn , Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, tỉnh sẽ bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền gồm: 7 làng nghề (làng nghề đan lờ, lợp; đan cần xé, đan bội huyện Lai Vung; đan lưới, đan thúng rổ huyện Lấp Vò...); 9 làng nghề truyền thống như đóng xuồng ghe huyện Lai Vung...; 4 làng nghề đan mê bồ thành phố Cao Lãnh; 4 làng nghề sản xuất bột thành phố Sa Đéc...

Đồng Tháp bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một ảnh 1Làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Để làng nghề được bảo tồn phát huy hiệu quả, tỉnh đề ra mục tiêu trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; có 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; ít nhất 20% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; có 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đồng Tháp bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một ảnh 2Không khí sản xuất tại cơ sở sản xuất lưới Phúc Lộc ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Cùng đó, tỉnh tổ chức tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh các làng nghề, làng nghề truyền thống thông qua phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, giá trị văn hóa và sự cần thiết bảo tồn, gìn giữ...; giới thiệu, phổ biến các cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp làng nghề điển hình hoạt động có hiệu quả.

Đồng Tháp còn khuyến khích phát triển ý tưởng sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp để phát triển sản phẩm nghề truyền thống thông qua chương trình khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, học sinh; lồng ghép tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể sản xuất tại các làng nghề tham gia Chương trình OCOP; từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch làng nghề; tập trung đầu tư phát triển 1 - 2 sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương gắn với phát triển du lịch trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng Tháp bảo tồn 16 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một ảnh 3Sản phẩm khăn choàng của làng nghề dệt choàng Long Khánh A. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Tiêu biểu, vừa qua làng nghề truyền thống vẫn giữ vững như: Làng nghề dệt choàng 100 năm tuổi ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022. Làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh đang có khoảng 60 hộ sản xuất, trên 160 khun dệt, 200 nhân công. Mỗi ngày có thể tạo ra hơn 4.000 cái khăn choàng và 1.000 mét vải mùng. Sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều nơi như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia phục vụ cho các điểm tham quan, mua sắm, du lịch.

Có lịch sử hàng trăm tuổi phải kể đến Làng nghề làm bột ở thành phố Sa Đéc. Bà Võ Thị Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc cho biết, Làng bột Sa Đéc chế biến ra nhiều sản phẩm khác nhau và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Nghề làm bột giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động, sản lượng mỗi năm khoảng 30.000 tấn bột, đóng góp cho thành phố Sa Đéc hơn 400 tỷ đồng. Bột Sa Đéc cung ứng chủ yếu cho thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới.

Ở Đồng Tháp còn có làng nghề đóng xuồng. Năm 2015, làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thời hoàng kim, nơi đây có trên 150 hộ dân và cơ sở đóng xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Nghề đóng xuồng nơi đây sản xuất các chiếc xuồng cui Cần Thơ, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe tam bản, ghe bầu Cái Răng… chủ yếu làm bằng gỗ cây sao vườn. Giờ đây không ít hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh đành bỏ nghề truyền thống. Toàn xã Long Hậu còn khoảng 80 hộ gia đình, cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuồng, ghe.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu chung bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia

Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu .

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm