Từ lâu, cá chạch lấu và cá heo được xem là hai loại sản vật quý hiếm mà thiên nhiên ưu ái cho sông Tiền, sông Hậu (chảy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp). Trước đây, để có thể thưởng thức các món ngon từ hai loại cá này phải đợi đến mùa nước lũ mới đánh bắt được. Chất lượng thịt thơm ngon, nhiều thực khách ưa thích nên cá heo, cá chạch lấu có giá bán khá cao.
Hiện nay, do cá heo và cá chạch lấu ngoài tự nhiên đang khan hiếm nên hầu hết sản lượng cá nuôi của bà con nông dân đều được thương lái thu mua để bán lại cho các nhà hàng, quán ăn ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh. Cá chạch lấu và cá heo có chất lượng thịt ngon, giàu dinh dưỡng dùng chế biến các món ăn đặc sản, được nhiều thực khách ưa thích như: cá kho tiêu, nấu canh chua, nướng muối ớt, kho lạt hoặc kho mắm chấm bông súng…
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển kinh tế gia đình, bằng sự nhạy bén, thích tìm tòi, học hỏi, nhiều hộ dân ở Đồng Tháp đã nghiên cứu, thả nuôi thành công cá heo và cá chạch lấu trong ao đất. Từ năm 2020 đến nay, ông Nguyễn Văn Châu ở ấp 4, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình thực hiện mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo (còn gọi là cá heo đuôi đỏ), mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vụ cá năm nay, ông thả nuôi hai loài cá này trong ao đất với tổng diện tích 3 ha, thu về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, đầu năm 2022, ông thả nuôi 200 kg cá heo đuôi đỏ giống và 10.000 con cá chạch lấu. Hiện ao cá của ông đang trong thời kỳ thu hoạch. Ước tính vụ này, ông thu hoạch 4 tấn cá thương phẩm. So với năm trước, giá cá heo và cá chạch lấu năm nay cao hơn. Hiện, thương lái thu mua cá chạch lấu với giá 250.000 đồng/kg, còn cá heo có giá 500.000 đồng/kg. Ông Châu nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, vụ này, ông thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Ông Châu chia sẻ, mỗi năm, cá chạch lấu và cá heo chỉ nuôi một đợt. Sau 10 tháng nuôi mới có thể xuất bán. Khi đó, cá chạch lấu đạt trọng lượng khoảng 0,5 kg/con, cá heo từ 22 - 25 con/kg. Hai loại cá này nuôi chung rất phù hợp, ít hao hụt và tiết kiệm chi phí thức ăn vì cá heo sẽ ăn thức ăn thừa của cá chạch lấu.
Tuy thị trường ưa chuộng, giá bán cao nhưng nguồn con giống thả nuôi khan hiếm, thường phải đặt mua từ Campuchia, chi phí đầu tư cũng khá cao. Từ khi nuôi đến khi xuất bán cá (đối với diện tích ao nuôi 3 ha), ông Châu đã bỏ ra khoảng 500 triệu đồng để đầu tư mua con giống và thức ăn.
Cá heo và cá chạch lấu là loài cá nước ngọt, sinh sống, phát triển tốt trong môi trường có dòng nước chảy. Mặc dù không quá khó về kỹ thuật nhưng khi nuôi cá heo và cá chạch lấu trong ao đất, nông dân cần chú ý tạo môi trường nuôi gần giống với môi trường tự nhiên; trong đó, việc tạo dòng chảy liên tục và tạo môi trường nước sạch là điều cần thiết giúp cá khỏe, mau lớn hơn.
Do vậy, người nuôi phải đặt máy tạo dòng chảy, thường xuyên vệ sinh, thay nước trong ao nuôi. Về thức ăn cho cá, nông dân có thể lựa chọn những loại thức ăn thủy sản có tỷ lệ đạm cao hoặc tự phối trộn thức ăn từ cá mồi (các loại cá nhỏ) với thức ăn công nghiệp để tiết kiệm chi phí.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi Nguyễn Thành Hợp cho biết, ông Nguyễn Văn Châu là nông dân nhạy bén, chịu khó học hỏi và đã triển khai thực hiện thành công mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ vài năm nay. Đây là mô hình mới ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm nay, giá cá heo và cá chạch lấu ở mức khá hấp dẫn và giữ ổn định hơn so với các năm trước. Tuy gặp khó khăn về nguồn cá giống, vốn đầu tư ban đầu tương đối nhiều nhưng cá heo và cá chạch lấu là loài cá đặc sản, ngoài tự nhiên khan hiếm nên có giá bán cao.
Nhựt An