Đổi thay từ trồng dâu nuôi tằm ở Cao Bằng

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một hộ dân xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN
Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một hộ dân xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Trồng dâu nuôi tằm là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công ở các xã vùng cao biên giới huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Đổi thay từ trồng dâu nuôi tằm ở Cao Bằng ảnh 1Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một hộ dân xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Đến nay, nhiều hộ gia đình ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ trồng dâu nuôi tằm. Hiệu quả từ cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công đã làm cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc đổi thay từng ngày.

Trước đây, gia đình ông Lần Văn Lùng, xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc chủ yếu trồng ngô, lúa nên cuộc sống không đủ ăn. Năm 2015, ông chuyển diện tích đất từ trồng ngô sang trồng 25.000 cây dâu tằm. Từ đó, trung bình mỗi năm ông Lùng nuôi 8 lứa tằm, thu gần 1 tấn kén, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu được hơn 100 triệu đồng.

Đổi thay từ trồng dâu nuôi tằm ở Cao Bằng ảnh 2Mô hình trồng dâu nuôi tằm của một hộ dân xóm Nà Lùng, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Chu Hiệu - TTXVN

Ông Lùng chia sẻ, hiện nay xóm Nà Lùng có 39/52 hộ trồng dâu nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế gia đình ông Lùng có nhiều thay đổi, cuộc sống khấm khá hơn nên ông mua sắm được nhiều vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất hàng ngày...

Còn đối với chị Nông Thị Thủy, xóm Nà Pù, xã Cốc Pàng nhờ trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Chị Thủy chia sẻ, chị xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đến khi lập gia đình, cuộc sống nghèo khó cũng không thay đổi, bản thân chị luôn trăn trở để tìm cách phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2015, khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, chị mạnh dạn đầu tư vào trồng dâu, nuôi tằm. Ban đầu chị trồng khoảng 1ha dâu, dần dần chị mở rộng diện tích, đến nay gia đình chị có khoảng 4ha dâu. Hàng năm, gia đình chị Thủy thu nhập từ các lứa dâu và tằm khoảng 90 triệu/năm.

Trồng dâu nuôi tằm là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được thực hiện từ năm 2011 trên 3ha của 11 hộ dân ở xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc. Qua nhiều năm, việc trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao kinh tế cho người dân sinh sống tại xã biên giới này.

Đổi thay từ trồng dâu nuôi tằm ở Cao Bằng ảnh 3Nhiều hộ gia đình ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Tô Hiệu - TTXVN

Ông Ma Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc cho biết, sau khi 11 hộ dân trồng thử nghiệm, nhận thấy trồng dâu nuôi tằm mang hiệu quả kinh tế cao, xã Cô Ba đã nhân rộng mô hình, đến nay toàn xã có 87ha dâu, tổng thu nhập năm 2019 từ trồng dâu nuôi tằm đạt trên 4 tỷ đồng (gấp 4 – 5 lần so với trồng cây ngô và lúa).

Thời gian tới, xã Cô Ba tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm để người dân nâng cao thu nhập cho bà con đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân ở xã vùng cao biên giới.

Bà Lãnh Thị Mai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết, từ thành công của các mô hình trồng dâu nuôi tằm, năm 2019, huyện Bảo Lạc đã đầu tư gần 700 triệu đồng từ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm trên đất nương rẫy, quy mô 13ha tại hai xã Bảo Toàn, Hồng Trị.

Hiện nay, huyện Bảo Lạc có trên 180ha dâu tằm, phân bố ở các xã Cô Ba, Hồng Trị, Bảo Toàn, Hưng Đạo, Đình Phùng. Mỗi năm người dân thu trên 120 tấn kén tằm bán sang Trung Quốc. Với tiềm năng như về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu thuận lợi, ngành nông nghiệp huyện Bảo Lạc tiếp tục hướng dẫn người dân mở rộng trồng khoảng 50ha cây dâu tằm mỗi năm.

Huyện cũng đang có nhiều giải pháp như tăng cường hướng dẫn, tập huấn áp dụng khoa học kĩ thuật để nâng cao chất lượng kén tằm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ các đối tác mua hàng. Huyện khuyến khích các hợp tác xã đầu tư, bao tiêu sản phẩm kén tằm nhằm ổn định thị trường tiêu thụ; sử dụng các nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ giống cây dâu tằm cho người dân.

Chu Hiệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm