Độc đáo nghệ thuật đan mâm của đồng bào Hà Nhì

Xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) không chỉ được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng mà còn mang đậm văn hóa bản sắc của dân tộc Hà Nhì. Đặc biệt, nghệ thuật đan mâm với những kỹ thuật tinh xảo là một trong nét văn hóa đặc sắc được đồng bào Hà Nhì giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống của cha ông.

Mỗi gia đình người Hà Nhì trên mảnh đất Y Tý đều có ít nhất một chiếc mâm cơm truyền thống. Bởi lẽ, mâm cơm của người Hà Nhì là biểu tượng cho đất trời, sự viên mãn, sung túc và sum vầy.

IMG_5844.jpg
Để có sản phẩm một chiếc mâm tốt, khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng để mâm được bền và đẹp. Ảnh: Hải Ly

Ông Ly Giờ Lúy, 67 tuổi, người Hà Nhì ở thôn Choản Thèn là một trong số ít người còn biết nghệ thuật đan lát truyền thống ở Y Tý. Ông chia sẻ: Chiếc mâm là một trong những vật dụng quen thuộc đối với ông từ thuở nhỏ và là vật dụng quen thuộc trong từng nếp nhà người Hà Nhì.

IMG_5858.jpg
Từ những nguyên liệu được chọn lựa, bằng bàn tay khéo léo, đồng bào Hà Nhì tạo hình từng bộ phận của mâm. Ảnh: Hải Ly

Để hoàn thiện được một chiếc mâm truyền thống phải trải qua nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu làm ra một chiếc mâm đều từ thiên nhiên như: tre, trúc, mây, giang, vầu,... Khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng. Nguyên liệu thường lấy vào cuối tháng vì thời điểm đó cây sẽ róc nước và tránh được mối mọt.

IMG_5872.jpg
Các chi tiết của mâm phải được làm thật cẩn thận để có thể ghép khớp lại với nhau. Ảnh: Hải Ly

Mỗi chiếc mâm sẽ được đan rời các bộ phận. Đầu tiên là dựng khung, đan chân đế và vành mâm, cuối cùng là mặt mâm. Các bộ phận đã đan xong sẽ được ghép lại bằng một sợi mây để hoàn thiện sản phẩm.

IMG_5882.jpg
Phần vành mâm được làm tỷ mẩn, đôi tay người thợ phải liên tục thắt thật chặt các nút đan. Ảnh: Hải Ly

Kỹ thuật đan của người Hà Nhì cũng vô cùng đa dạng: ô vuông, ngang, dọc, đan bắt chéo… Phần vành mâm bên trong được luồn trúc, bên ngoài là mây. Trong quá trình làm, đôi tay phải liên tục thắt thật chặt các nút đan.

Ông Lúy cho biết: “Phần đan khó nhất là phần mặt mâm (bàn mâm). Nếu không cẩn thận thì không thể ghép kín bàn mâm với chân mâm được. Điều này đòi hỏi người đan phải thật khéo tay, đan vòng của chân và mâm đều nhau mới khớp được. Bàn mâm phải đan 3 lớp. Trước khi đan phải chuốt nan mai, trúc và dây mây thật bóng thì mâm mới đẹp”.

IMG_5856.jpg
Ông Ly Giờ Lúy đang tiến hành đan mâm và dạy lại cho thế hệ trẻ. Ảnh: Hải Ly

Để hoàn thành một chiếc mâm, người đan thành thạo như ông Ly Giờ Lúy phải mất chục ngày công đan liên tục, chưa kể thời gian chuẩn bị vật liệu.

Mâm mây khi đan xong được gác lên gác bếp hong khói, bồ hóng, khoác lên mình một lớp sơn màu thời gian. Lớp sơn ấy cũng chính là lớp bảo vệ giúp mâm không bị mối mọt và dùng bền hơn. Hiện tại, giá bán mỗi chiếc mâm từ 2,5 triệu đồng - 3 triệu đồng, tùy kích thước.

IMG_5884.jpg
Để hoàn thành một chiếc mâm, người đan thành thạo sẽ mất khá nhiều thời gian và công sức. Ảnh: Hải Ly

Chiếc mâm cơm không chỉ đơn giản chỉ là vật dụng hàng ngày trong gia đình người Hà Nhì, mà còn là vật dụng để đồ lễ, cúng tế trong những nghi lễ truyền thống như lễ hội “Khô Già Già”, nghi lễ tết “Gạ Tho Tho”, tết “Gạ Ma Do” và những nghi lễ truyền thống khác.

IMG_5892.jpg
Sau khi hoàn thành, mâm sẽ được treo trên gác bếp hong khói và bồ hóng để cho bóng đẹp và không bị mọt. Ảnh: Hải Ly

Chiếc mâm của đồng bào Hà Nhì giống như một tác phẩm nghệ thuật bởi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ trong từng họa tiết, hoa văn đẹp mắt và được tạo bằng kỹ thuật đan tay vô cùng tinh xảo.

IMG_5851.jpg
Ngoài chiếc mâm truyền thống, đồng bào Hà Nhì ở Y Tý còn đan lát các vật dụng gia đình từ mây tre để sử dụng và phục vụ du lịch. Ảnh: Hải Ly

Tuy nhiên, hiện nay số người biết đan mâm ở Y Tý còn rất ít, ông Ly Giờ Lúy trăn trở về vấn đề truyền nghề cho lớp trẻ để các giá trị truyền thống của cha ông được lưu giữ ngàn đời, không bị thất truyền. Ông Lúy chia sẻ: “Hiện tại ở xã chỉ còn 4 người biết đan thành thạo các vật dụng truyền thống. Đan lát là đặc trưng của dân tộc, tôi cũng muốn nghề này được phát triển thêm. Nhưng hiện tại, con cháu đi học, đi làm hết nên việc truyền lại nghề rất khó khăn”.

Hải Ly

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm