Bữa cơm thường ngày của đồng bào núi rừng Trường Sơn chỉ có cơm gạo rẫy (còn gọi là gạo đỏ), cơm nếp ăn với muối ớt, muối mè, canh rau ranh, rau dớn, khi thì măng rừng, búp chuối rừng, ốc đá, cá suối. Khi cúng tế thần, trong lễ hội, đám cưới, hay có khách quý đến thăm thì đồng bào chế biến một số món ăn, thức uống mang dấu ấn nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của dân tộc. Với những nguyên liệu sẵn có được mẹ thiên nhiên ban tặng, bà con dân tộc từ lâu đã biết chế biến các món ẩm thực đặc trưng riêng của núi rừng, tạo ra những món ăn, thức uống có hương vị độc đáo, ngon miệng và giàu chất dinh dưỡng đảm bảo được sức khỏe cho đời sống người dân nơi đây.
Mâm cỗ của dân tộc Bru - Vân Kiều |
Làm bánh
Về món ăn, vào dịp lễ hội, đồng bào vùng núi rừng Trường Sơn thường làm các loại bánh gói bằng lá đót, giống như chiếc sùng trâu nên gọi là bánh sừng trâu. Bánh này làm rất dễ, nguyên liệu là lá đót, dây lạt và nếp ngon. Món “canh đại ngàn” là món hỗn hợp nấu trong ống nứa. Nguyên liệu gồm rau, măng, dọc mùng, thịt rừng hoặc cá suối, ít con mối và chú dế bầu hoặc vài con dế dủi... tất cả cho vào ống nứa tươi và cho lên bếp đun chín. Khi nấu vừa chín tới, người ta lấy cái gai mây cho vào ống thọt nhẹ nhàng cho đến khi các món trong ống nhừ ra, quyện vào nhau thành một chất dẻo.
Thổi cơm
Cơm lam, cơm nếp lam là món ăn được ưa thích bởi gạo tẻ hoặc gạo nếp được nướng trong ống nứa, ống tre non. Khi ăn, người ta cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn bám lại từng mảnh một cho đến khi hiện dần khối nếp trong ống với mùi thơm phức để lấy cơm nếp ăn. Khi bóc xong ta có thể bẻ hoặc cắt thành từng khúc một để ăn hay dọn lên mâm đãi khách.
Bà con Cơ tu gói bánh lá đót vào các ngày lễ tết |
Nấu cá
Cá nấu trong ống nứa cũng là món phổ biến của nhiều tộc người trong lễ tết. Trước tết độ một tuần, đồng bào thường tổ chức đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cho cá bị say nổi lên mặt nước để xúc hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá. Cá thường được nướng chín rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra, cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, cá khô như được phơi rồi để dành ăn dần.
Ủ rượu
Bên cạnh món ăn, đồng bào núi rừng Trường Sơn vẫn còn giữ gìn, bảo lưu nhiều thức uống độc đáo khác nhau như: Rượu cần các loại, rượu tr’đin, rượu tà vạc. Trong khi rượu cần được chế biến, ngâm ủ lâu ngày, công phu thì rượu tà vạc, tr’đin là thức uống được khai thác từ cây hoang dã mọc trong rừng núi. Đây là những loại rượu thơm ngon, bổ dưỡng, hấp dẫn, là đồ uống hàng ngày của người dân cũng như lễ hội. Rượu tà vạc, rượu tr’ đin có màu trắng đục, hương thơm, vị the như nước ga, uống lâu say.
Mâm cổ thịnh soạn trong lễ hội của người Ca Dong |
Trước đây món ăn, thức uống dân dã này thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người dân. Dần dần, nó trở thành món ăn đặc sản được nhiều người săn tìm nên xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn nơi phố thị và được giới thiệu trong các cuộc gặp gỡ, giao lưu văn hóa ẩm thực giữa các dân tộc.
Theo Langvietonline.vn