Dịch COVID-19: Số ca mắc tăng cao nhưng nhập viện ít, người dân không nên trữ thuốc Molnupiravir

Dịch COVID-19: Số ca mắc tăng cao nhưng nhập viện ít, người dân không nên trữ thuốc Molnupiravir

Ngày 7/3, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nghệ An và Gia Lai ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tăng nhiều nhất so với ngày 6/3. Trong đó, Hà Nội vẫn giữ kỷ lục với 32.317 ca.

Số bệnh nhân nhập viện ở Hà Nội tăng không đáng kể

Tính đến hết ngày 6/3, thành phố có 682.683 bệnh nhân hiện đang điều trị, trong đó có 675.810 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); có 979 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, có 5.534 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2- 3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tổng số lượt bệnh nhân COVID-19 của Hà Nội đã được điều trị khỏi là 715.495 người.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội tăng cao trong những ngày gần đây, nhưng theo thống kê của Bộ Y tế, số bệnh nhân nhập viện tăng không đáng kể, số ca ở mức độ trung bình trở lên đều giảm nhẹ.

Trong gần 5.900 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện ở Hà Nội, có 958 ca nhẹ/không triệu chứng; hơn 3.800 ca mức độ trung bình (giảm 2,6% so với trung bình 7 ngày trước); 971 ca nặng, nguy kịch (giảm gần 3%), số ca thở HFNC hay thở máy không xâm lấn giảm mạnh 26%.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Từ 16 giờ ngày 6/3 đến 16 giờ ngày 7/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 147.358 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.207 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 90.399 ca trong cộng đồng).

Trong ngày 7/3, đã có 36.993 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca COVID-19 được điều trị khỏi ở nước ta đến nay lên 2.718.440 người. Hiện đang có 4.104 bệnh nhân nặng đang điều trị. Trong ngày, Việt Nam cũng ghi nhận 78 ca tử vong, nhiều nhất tại Hà Nội là 15 ca. Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca/ngày.

Người dân không nên trữ thuốc virus Molnupiravir

Tại buổi họp định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/3, trước tình trạng người dân có tâm lý dự trữ thuốc kháng virus Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty dược lớn sản xuất thuốc kháng virus. Năng lực sản xuất thuốc khoảng 2 triệu viên/tháng nên sẽ không thiếu thuốc. Trong thời gian tới, thành phố sẽ có thêm một số công ty dược được cấp phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19.

Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 ngắn hơn một số loại thuốc, nên việc dự trữ không có lợi. Ngoài ra, thuốc kháng virus là thuốc điều trị theo chỉ định của bác sỹ nên người dùng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc. Thành phố sẽ không thiếu thuốc, thậm chí giá thuốc có thể sẽ giảm theo quy luật cung cầu nên người dân không nên tích trữ thuốc kháng virus Molnupiravir.

Về vấn đề có nên xem COVID-19 là "bệnh đặc hữu", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo báo cáo Bộ Y tế gửi Thủ tướng, "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.

Theo đó, có 4 tiêu chí để đánh giá “bệnh lưu hành” gồm có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.

Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong ở trong nước đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, số tử vong ghi nhận hằng ngày hiện nay vẫn ở mức trên dưới 100 ca. Con số này cao hơn số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những “bệnh lưu hành” có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Do đó, Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi COVID-19 là "bệnh lưu hành". Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tăng cường kiểm soát các mặt hàng phòng, chống dịch


Nhằm kiểm soát việc sử dụng các loại kit test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 phù hợp, hiệu quả và an toàn cho người dân, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc mua bán tại các nhà thuốc, phòng khám; hướng dẫn cụ thể những quy định về việc mua bán thuốc. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực này tuyệt đối tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc, thực hiện niêm yết giá thuốc/hàng hóa, bán đúng giá niêm yết; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Mai Thanh Hải, Chánh Thanh tra Sở Y tế Quảng Bình: Qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh, hoạt động, các quầy thuốc và phòng khám trên địa bàn, cơ bản đều chấp hành và bán theo quy định. Bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp xử lý các trường hợp liên quan, chúng tôi đã nhắc nhở các cơ sở khám chữa bệnh cũng như các quầy thuốc tuân thủ chặt chẽ các quy định, hướng dẫn trong hoạt động; động viên người dân bình tĩnh, chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.

Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, số ca F0 mắc mới tăng cao, việc chủ động bảo vệ, theo dõi, kiểm tra sức khỏe bản thân là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên người dân cũng cần cẩn trọng và nên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm, hình thức phòng dịch đúng quy định và đảm bảo an toàn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không mua bán, sử dụng các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; nên lựa chọn các quầy thuốc, phòng khám có uy tín và được cấp phép kinh doanh, hoạt động... nhằm tránh nguy cơ mua sản phẩm không đảm bảo chất lượng, nguy hại đến sức khỏe và ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch nói chung.

Tại Phú Thọ, Sở Y tế tỉnh ban hành văn bản về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, Sở Y tế Phú Thọ yêu cầu các cơ quan, đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh cần chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm nguồn cung hàng hóa trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế và người dân trên địa bàn tỉnh, đảm bảo bình ổn giá. Các đơn vị chỉ thực hiện mua bán, kinh doanh, phân phối các trang thiết bị y tế, bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ; phối hợp với các ngành chức năng đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp của dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh khi chưa đủ điều kiện... qua đó nắm bắt, kịp thời xử lý triệt để.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyền tăng cường truyền thông thường xuyên và sâu rộng tới cộng đồng về việc không tự ý mua và sử dụng kit xét nghiệm kháng nguyên SARS- CoV-2 khi chưa cần thiết. Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 không được cấp phép, không rõ nguồn gốc, không chính thống trên mạng xã hội; chỉ mua và sử dụng kit xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 nhanh, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành theo hướng dẫn và đơn của bác sỹ.

Thanh tra Sở Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Sở Công Thương, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh... tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chú trọng các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, kit xét nghiệm SARS-CoV-2, thuốc kháng virus điều trị COVID-19; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục xin “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” khi mắc COVID-19

Trước ý kiến phản ánh của người dân về những khó khăn khi xin “giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội” để hưởng chế độ ốm đau với người mắc COVID-19 có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, nội dung này đã được quy định chi tiết tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để tạo thuận lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ ốm đau, Bộ Y tế đang trong quá trình sửa đổi Thông tư này.

Bộ Y tế đề xuất hai phương án giải quyết sau:

Phương án 1: Đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội căn cứ làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động bị mắc COVID-19.

Phương án 2: Đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ nêu trên có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ nêu trên vào Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm