Dịch COVID-19: Đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân - Bài 1

Dịch COVID-19: Đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân - Bài 1
Thực tế cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh chính là nơi phát hiện những trường hợp mắc COVID -19 đầu tiên của Việt Nam và hiện là một trong những địa phương bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19 gây ra. Dự báo được tình hình này, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống quyết liệt, hiệu quả. Cả hệ thống chính trị, ngành Y tế cũng như các tầng lớp nhân dân thành phố đang chung sức, đồng lòng trong công tác chống dịch với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết về nội dung này.
Đo thân nhiệt người đến khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đo thân nhiệt người đến khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Bài 1: Phản ứng nhanh, điều trị hiệu quả
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế, các bộ ngành từ Trung ương xuống cơ sở, có thể khẳng định, đến thời điểm này, nước ta nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch COVID-19. 

Ứng phó kịp thời
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, triển khai các biện pháp giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng như trong cộng đồng, từ đó thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sớm nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã triển khai giám sát các hành khách nhập cảnh từ vùng dịch và chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện mắc bệnh. Ngành Y tế đã chuẩn bị các phương án điều trị, cách ly với trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ công tác chống dịch tốt nhất.
 
Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kể từ trước khi dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, đơn vị đã triển khai các biện pháp phòng dịch đến từng quận, huyện. Khi xuất hiện bệnh nhân, trung tâm phải huy động toàn bộ nhân lực cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
 
Đường dây nóng, 6 đội phản ứng nhanh kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch được thành lập ngay khi dịch xuất hiện trên địa bàn. Đơn vị này vừa thực hiện công tác chuyên môn, vừa hỗ trợ các quận, huyện điều tra, giám sát các trường hợp tiếp xúc, cập nhật số liệu liên tục, đồng thời lên các phương án phòng, chống dịch, tham mưu cho Sở Y tế và UBND Thành phố, thực hiện nhiều tài liệu truyền thông hướng dẫn cách phòng bệnh cho người dân.
 
Hệ thống y tế dự phòng triển khai hoạt động giám sát hành khách đến thành phố tại các cửa khẩu bao gồm sân bay, cảng biển, ga tàu. Danh sách các hành khách trong diện phải cách ly tại quận, huyện hoặc tại nhà, nơi lưu trú sẽ được thông báo đến các quận, huyện. Các quận, huyện khi nhận tin sẽ trực tiếp đón các hành khách này và đưa về cách ly tại nhà, cơ sơ lưu trú hoặc điểm cách ly tập trung tùy đối tượng.
 
Chúng tôi luôn nhắc nhở các quận, huyện khi tiếp nhận người cách ly phải làm tốt công tác truyền thông để người được cách ly hiểu và hợp tác. Người thuộc quy định cách ly là những người có khả năng mang mầm bệnh. Vì vậy, việc cách ly có mục đích đảm bảo an toàn cho cộng đồng, hạn chế lây nhiễm, phát hiện sớm bệnh để điều trị. Điều quan trọng là làm sao để người được cách ly hiểu việc cách ly không phải là kỳ thị”, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng cho hay.
 
Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, công việc của chị và các đồng nghiệp dồn dập hơn rất nhiều khi COVID-19 xuất hiện. 24 giờ mỗi ngày đều phải có người trực để xử lý tất cả những tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Người từ vùng dịch nhập cảnh vào Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin sẽ được chuyển đến Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố. Nhiệm vụ của các chị lúc này là nhanh chóng kết nối với địa phương, trong vòng 24 giờ, y tế phường, xã sẽ phải nhanh chóng tiếp cận để điều tra dịch tễ, từ đó xác định đường đi của các ca nghi ngờ, khoanh vùng cách ly xử lý.
 
Riêng những người cách ly tại nhà phải chịu sự giám sát của các nhân viên y tế khối dự phòng chúng tôi. Mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 14 ngày, chúng tôi phải kiểm tra sức khỏe cho họ. Số lượng cách ly tại nhà càng nhiều thì nhân viên của chúng tôi càng phải căng mình lên làm việc, đảm bảo không để sót, để lọt một người nào”, bác sỹ Lê Hồng Nga cho hay.

Cùng vào cuộc rất khẩn trương, ngay từ đầu tháng 2/2020, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện “Cẩm nang hỏi đáp về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút Corona mới (2019-nCoV)”  đã in 5 triệu bản Tiếng Việt, 200.000 bản Tiếng Anh, 200.000 bản Tiếng Trung để tuyên truyền đến người dân và khách du lịch trên địa bàn Thành phố.
 
Điều trị hiệu quả
Đến ngày 20/3, Thành phố Hồ Chí Minh đã điều trị khỏi cho bệnh nhân mắc COVID-19; đang điều trị cho 14 trường hợp mắc COVID-19 (xác định từ ngày 9/3 đến ngày 19/3), tại các cơ sở điều trị là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính tại Củ Chi. Hiện các bệnh nhân đều có tình trạng sức khỏe ổn định. Trong đó, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, ca bệnh số 32 đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 sau một tuần điều trị. 
Khám sàng lọc người bệnh có dấu hiệu nghi nhiễm tại Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Khám sàng lọc người bệnh có dấu hiệu nghi nhiễm tại Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Đặc biệt, sau 2 ca bệnh đầu tiên được điều trị thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm, khi chưa có phác đồ điều trị chuẩn, các bác sỹ nên sử dụng phương pháp cá thể hóa mỗi bệnh nhân, có nghĩa là phương án điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, thể trạng, bệnh nền của bệnh nhân và theo dõi sát diễn tiến của bệnh.

Đây cũng chính là phương pháp được áp dụng điều trị thành công cho 2 ca bệnh đầu tiên của Việt Nam. Cá biệt, với trường hợp người lớn tuổi lại có nhiều bệnh nền như bệnh nhân Liding (66 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, thể trạng yếu và nhiều bệnh nền kèm theo như đái tháo đường, ung thư phổi, tim mạch…) thì vấn đề theo dõi sát diễn tiến của bệnh càng vô cùng quan trọng. Trong đó, song song với các loại kháng sinh là sự phối hợp với nhiều chuyên khoa để điều trị ổn định các bệnh nền.
 
Còn bác sỹ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh lại vững tin: Với những trường hợp đã điều trị thành công, các y, bác sỹ Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm và tự tin điều trị cho những trường hợp mắc COVID-19 tiếp theo.
 
Về điều kiện thu dung điều trị, hiện Thành phố thành lập các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 với quy mô 2.000 giường, chuẩn bị khu điều trị riêng để tiếp nhận điều trị chuyên cho bệnh nhân COVID-19. Thành phố cũng xác định 47 bệnh viện chuẩn bị khu điều trị sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị các trường hợp mắc COVID-19 với quy mô 679 giường. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức đưa vào hoạt động hai bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 đặt tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ có quy mô 300 giường và Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính tại Củ Chi với quy mô 300 giường bệnh.
 
Việc hình thành thêm bệnh viện chuyên trách điều trị người nghi mắc hoặc người được chẩn đoán xác định nhiễm COVID-19 sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo khi cho người mắc COVID-19 nằm điều trị tại các bệnh viện có nhiều chuyên khoa khác nhau. Nhân viên tham gia công tác tại các bệnh viện này sẽ toàn tâm toàn ý cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19, chắc chắn tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố nhấn mạnh./. (còn tiếp)
Hoàng Tuấn - Đinh Hằng
Bài 2: Kiểm soát tốt dịch bệnh
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm