Ông Triệu đang hướng dẫn cách chăm sóc cây thanh long cho hội viên chi hội cựu thanh niên xung phong phường Quyết Tâm. Ảnh: Diệp Anh-TTXVN |
Theo Bộ Công Thương, để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia, trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cấp. Tuy nhiên, nếu muốn có giấy phép, doanh nghiệp nhập khẩu cần nộp đơn xin phép nhập khẩu trên mạng theo hình thức bấm “apply now” ở cuối trang web https://bicon.agriculture.gov.au/…/ImportCondit…/Conditions…
Cùng đó, trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch).
Đóng gói thanh long chuẩn bị mang đi xuất khẩu tại Hợp tác xã thanh long Long Trì (huyện Châu Thành, Long An). Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Bộ Công Thương cũng cho biết, thanh long xuất khẩu phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Do đó, để chứng minh cho sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ “trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện nhập khẩu thanh long tươi vào Australia và phù hợp với Chương trình ‘Xuất khẩu trái câu tươi của Việt Nam vào Australia’ và đã được kiểm dịch và không có bất kỳ loại côn trùng nào trong diện kiểm soát an toàn sinh học của Australia”.
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải được hoàn thành một cách chính xác, xem thông tin trên trang web của Tổ chức Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) tại địa chỉ https://www.ippc.int.
Các chuyên gia thương mại cũng khuyến cáo: Thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam phê duyệt.
Để chứng minh sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ chi tiết việc xử lý: ngày xử lý, nhiệt độ và thời gian xử lý; tên cơ sở đóng gói/xử lý và số đăng ký; số thùng trong lô hàng; số container và số niêm phong (đối với lô hàng vận chuyển bằng đường biển).
Các biện pháp quản lý rủi ro côn trùng đối với thanh long nhập khẩu từ Việt Nam xem tại https://bicon.agriculture.gov.au/Bicon…/ViewElement/Element…; các cơ sở xử lý nhiệt hơi được chấp nhận xem tại https://bicon.agriculture.gov.au/Bicon…/ViewElement/Element…; tổ chức Bảo vệ Thực vật Quốc tế (IPPC) tại địa chỉ https://www.ippc.int.
Nông dân huyện Châu Thành (Long An) chăm sóc cây thanh long sắp tới kỳ thu hoạch. Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.
Bất cứ lô hàng nào không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp Australia tham vấn với Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.
Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch. Hàng hoá cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác trừ 1cm cuống của quả thanh long. Mỗi lô hàng phải được đảm bảo tình trạng kiểm dịch trong khi vận chuyển bằng các lựa chọn đóng gói đảm bảo được nêu tại địa chỉ sau: https://bicon.agriculture.gov.au/…/ViewEleme…/Element/Index…
Nông dân xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long.Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm. Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Kiện hàng phải được buộc chắc chắn. Các thông tin sau phải được nhìn rõ trên mỗi thùng carton: Sản phẩm của Việt Nam cho thị trường Australia; mã cơ sở xử lý; số nhận dạng xử lý (TIN).
Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, container phải được kiểm tra bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập. Lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên. Không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ (ví dụ chuyển lô hàng bằng đường hàng không hoặc đường bộ tại Australia) cho đến khi lô hàng được thông quan từ điểm kiểm soát an toàn sinh học.
Nếu lô hàng bị phát hiện có côn trùng sống có nguy cơ an toàn sinh học, lô hàng sẽ được yêu cầu xử lý, hoặc tái xuất, hoặc tiêu huỷ. Chi phí cho bất kỳ hành động được yêu cầu nào sẽ do người nhập khẩu chi trả. Ngoài ra, nếu lô hàng bị phát hiện có dấu hiệu của bệnh dịch, lô hàng sẽ bị Bộ Nông nghiệp giữ lại và đánh giá rủi ro về an toàn sinh học để xác định các lựa chọn cho nhà nhập khẩu. Lựa chọn đó có thể là thông quan, xác định thêm, xử lý, tái xuất, hoặc tiêu huỷ.
Đặc biệt, xác định thêm có thể dẫn đến kết quả là hàng không được thông quan và có thể phát sinh chi phí bổ sung và thời gian chậm trễ cho người nhập khẩu. Xác định thêm sẽ chỉ được đưa ra nếu nó được coi là khả thi và nhà nhập khẩu đồng ý bằng văn bản để chấp nhận tất cả các chi phí và rủi ro liên quan. Nếu chất ô nhiễm (ví dụ như hạt, rác, đất, lông) được phát hiện và xác định có liên quan đến an toàn sinh học, lô hàng sẽ bị yêu cầu loại bỏ hoặc xử lý các chất gây ô nhiễm và sẽ cần phải kiểm tra lại. Nếu các chất gây ô nhiễm không thể được loại bỏ hiệu quả hoặc được xử lý, lô hàng phải tái xuất hoặc tiêu huỷ. Mọi chi phí sẽ do người nhập khẩu chịu.
Nông dân xã Thanh Phú Long (huyện Châu Thành, Long An) thu hoạch thanh long.Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Bộ Nông nghiệp Australia có thể rà soát chính sách nhập khẩu bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam bị thay đổi. Một khi các yêu cầu an toàn sinh học đã được đáp ứng, các nhà nhập khẩu có trách nhiệm đảm bảo rằng tất cả các thực phẩm nhập khẩu tuân thủ Đạo luật Kiểm soát nhập khẩu thực phẩm năm 1992 bao gồm cả Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia và New Zealand.
Theo Luật phí An toàn Sinh học (Tổng quan) năm 2016 và Chương 9, phần 2 của Luật An toàn Sinh học 2016, tất cả các phí dịch vụ được trả cho Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia. Danh sách tất cả các lệ phí kiểm dịch và xuất khẩu có sẵn trên trang web của Bộ Nông nghiệp tại địa chỉ http://www.agriculture.gov.au/fees/charging-guidelines.
Ngoài các điều kiện đối với hàng nhập khẩu, các mối quan tâm không phải là hàng hoá cần phải được đánh giá bao gồm cả vấn đề vệ sinh container, đóng gói và các điểm đến và có thể hàng hoá phải kiểm tra và xử lý khi nhập cảng. Các đối tượng quan tâm có thể tham khảo mục BICON Non-Commodity Cargo Clearance case tại địa chỉ website http://www.agriculture.gov.au/…/non-commodity_information_r… để biết thêm thông tin.
Uyên Hương