Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) thực hiện mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế. Trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế sâu bệnh gây hại, mang về nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vườn rau của gia đình bà Phạm Thị Loan rộng gần 3.500 m2 tại thị trấn Thanh Bình được trồng trong nhà lưới khép kín xanh tốt. Trước đây, gia đình bà Loan thường xuyên lạm dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học không đúng kỹ thuật, nên sản phẩm thu hoạch không mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp chọn thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ an toàn, gia đình bà Loan mới nhận thấy hiệu quả giúp nâng cao sức khỏe người trồng và người tiêu dùng. Đặc biệt, vườn rau cho năng suất ổn định và nguồn thu hàng tháng khoảng 15 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Loan chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi mới trồng rau cũng chưa hiểu biết về cách trồng sao cho có hiệu quả và sạch. Tôi trồng rau theo phương pháp thông thường, dù sản phẩm đem ra thị trường nhiều, nhưng người tiêu dùng vẫn lo ngại trong quá trình trồng có sử dụng thuốc trừ sâu. Sau này, từ ngày gia đình tôi chuyển sang canh tác theo mô hình rau sạch, người tiêu dùng rất yên tâm. Bà con không còn lo ngộ độc thực phẩm nữa.
Theo bà Loan, để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, khâu xử lý đất là rất quan trọng. Đất phải được xử lý vôi, phân bón gồm các loại phân bò, phân gà đã được ủ hoại mục kết hợp với xử lý nấm vi sinh Trichoderma, đồng thời kết hợp tưới bổ sung dinh dưỡng cho rau. Trong quá trình trồng, nếu xuất hiện sâu bệnh phải vệ sinh sạch sẽ vườn rau, thu gom những cây, lá hư vào một nơi để tiêu hủy tránh nguồn bệnh phát sinh. Ngoài ra, gia đình còn trồng luân canh các loại rau khác nhau để giảm thiệt hại cho vụ tiếp theo.
“Trồng rau hữu cơ an toàn, trước nhất là phải sử dụng phân hoại mục, phân hữu cơ. Sau đó, nguồn nước tưới phải sạch, rồi phải có nhà lưới. Nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì dùng thuốc vi sinh”, bà Loan chia sẻ thêm.
Những năm qua, từ khi trồng rau hữu cơ, sản phẩm rau của gia đình bà Loan được người tiêu dùng tại địa phương tin dùng. Hầu hết các đợt rau trồng tới thời điểm thu hoạch đều bán hết. Tuy giá thành cao hơn rau thường, nhưng rau của gia đình bà Loan vẫn được nhiều nơi như: chợ, bách hóa xanh, siêu thị, trường học, công nhân viên chức… tìm mua.
Còn vườn rau của gia đình ông Lại Văn Bảy ở xã Thanh Hòa cũng canh tác theo hướng hữu cơ đã mang lại thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Vườn rau ăn lá hơn 4.000 m2 của gia đình ông Bảy chủ yếu trồng các loại như: cải xanh, cải ngọt, rau dền, xà lách, mồng tơi…, được phủ kín dưới nhà lưới.
Ông Bảy cho biết: Trước đây gia đình chủ yếu sống dựa vào cây hồ tiêu. Tuy nhiên, hồ tiêu không mang lại nguồn thu khiến thu nhập của gia đình giảm đáng kể. Năm 2010, khi được tham quan một số mô hình trồng rau, ông đã quyết định chuyển hướng trồng thêm rau hữu cơ. Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật tạo nhà lưới, trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại rau ăn lá, gia đình ông quyết định đầu tư xây dựng nhà lưới thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ an toàn.
Theo ông Lại Văn Bảy, mô hình trồng rau trong nhà lưới đã ngăn không cho côn trùng vào trong đẻ trứng, nhờ vậy hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh phá hoại rau màu, canh tác quanh năm. Trồng trong nhà lưới theo phương pháp hữu cơ nên mẫu mã đẹp, ít công chăm sóc, năng suất cao hơn rau trồng ngoài mô hình. Với mô hình trồng rau hữu cơ an toàn trong nhà lưới, trung bình trong 3 năm qua, gia đình ông thu về lợi nhuận ước đạt khoảng 150-180 triệu đồng/năm.
Với mô hình canh tác theo hướng hữu cơ an toàn, mang lại nguồn cung rau sạch cho người tiêu dùng và nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhiều hộ nông dân tại huyện biên giới Bù Đốp đã dần chuyển hướng sang trồng rau trong nhà lưới.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Tiêu chuẩn quan trọng đầu tiên để trồng rau an toàn phải chú ý các yếu tố đất và nước. Hai thành phần này phải đảm bảo không có kim loại nặng và các chất độc hại. Bên cạnh đó, điểm mấu chốt là người trồng không được phép dùng bất kỳ hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, mà hoàn toàn 100% bằng hữu cơ từ phân bón đã được xử lý. Còn thuốc trừ sâu cũng phải hoàn toàn được bào chế từ tự nhiên. Do quy trình trồng, chăm sóc khắt khe nên cây rau có chất lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp đang nhân rộng mô hình này với mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm hộ chuyển sang trồng rau theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động và tiêu dùng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp, người dân không chỉ thực hiện mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ an toàn mà còn có các mô hình phòng trừ sâu, bệnh hại bằng giải pháp sinh học cho trái cây mang lại hiệu quả. Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp đã triển khai thực hiện nhiều mô hình cho rau, trái cây mang lại hiệu quả, giúp người dân vùng biên tăng thu nhập. Những sản phẩm sạch được làm ra từ việc sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học đã và đang mang hiệu quả kinh tế bền vững cũng như sự tin cậy từ người tiêu dùng.
K GỬIH