Nhiều hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đã thay đổi tập quán sản xuất, phát huy lợi thế từ tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế bền vững. Những hộ làm kinh tế khá, giỏi còn tích cực giúp đỡ xóm làng cùng phát triển kinh tế, là hạt nhân tích cực trong các cuộc vận động, phong trào thi đua do chính quyền địa phương phát động; là những điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Gia đình bà Hà Thị Vẹn (dân tộc Tày) ở ấp 11B, xã Lộc Thiện, huyện biên giới Lộc Ninh đã tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng để phát triển cây công nghiệp lâu năm và chăn nuôi.
Bà Vẹn sinh ra và lớn lên tại vùng quê miền núi nghèo ở tỉnh Bắc Kạn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 1992, gia đình bà chuyển vào xã Lộc Thiện để ổn định đời sống kinh tế. Bà Hà Thị Vẹn cho biết, thời gian đầu, gia đình còn gặp nhiều khó khăn phải đi làm thuê, làm mướn, vừa trang trải cuộc sống, vừa chăm lo cho con cái học hành, vừa tích góp để có tiền mua đất canh tác.
Qua hơn 10 năm, gia đình bà Vẹn đã tích góp mua được hơn 2 ha đất để phát triển sản xuất nông nghiệp. Với điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi và thổ nhưỡng đất đai màu mỡ phù hợp cho việc trồng cây công nghiệp lâu năm, gia đình bà quyết định trồng cây cao su hơn 1 ha, còn lại trồng cây điều. "Loại cây này rất phù hợp với vùng đất và đảm bảo nguồn thu ổn định cho gia đình có cuộc sống tốt hơn trước”, bà Vẹn phấn khởi chia sẻ thêm.
Ngoài nguồn thu từ cây công nghiệp lâu năm, gia đình bà Vẹn còn kết hợp chăn nuôi dê, gà, vịt... thu về khoảng 180 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí đầu tư.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Vẹn còn đảm nhận nhiệm vụ công tác ở khu dân cư với vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban điều hành ấp. Bà Hà Thị Vẹn cho biết: Tôi luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng chi bộ vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ, góp phần quan trọng vào thành tích chung của địa phương. Tôi thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác vận động, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giúp bà con hiểu biết và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Bà Hà Thị Vẹn còn hướng dẫn nhân dân trong ấp phấn đấu phát triển sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo bền vững, huy động nguồn lực của các nhà hảo tâm hỗ trợ phần quà cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số còn khó khăn nhân dịp Tết cổ truyền, Lễ Vu lan, ngày thương binh liệt sỹ; hỗ trợ bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo ở địa phương...
Tại xã Đa Kia, huyện biên giới Bù Gia Mập, ông Điều Hồng Điệp (người dân tộc S’tiêng) được người dân địa phương biết đến là nông dân sản xuất giỏi. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống với người dân tại địa phương.
Ông Điểu Hồng Điệp chia sẻ: Từ năm 1993, ông lập gia đình trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã Đa Kia nói chung, người dân tộc S'tiêng nói riêng còn chưa đủ cái ăn, cái mặc, chưa có điện thắp sáng, giao thông đi lại còn khó khăn. Xuất thân từ gia đình nông dân với mong muốn thay đổi cuộc sống, gia đình ông đã khai hoang đất rừng làm rẫy, trồng lúa lấy gạo ăn. Diện tích canh tác từ vài sào được mở rộng thêm qua từng năm. Đến nay, gia đình ông có 6 ha đất trồng cây cao su và điều.
Để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ông Điệp mạnh dạn mua 1 chiếc xe ba gác chạy thuê, lấy củi bán trong thời gian nhàn rỗi. Gia đình ông cũng chăn nuôi thêm đàn lợn rừng lai. Sự chăm chỉ, chịu khó đã mang lại nguồn thu nhập khoảng 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí) cho gia đình mỗi năm.
Với mong muốn đời sống kinh tế ngày càng phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình, ông thường xuyên tìm tòi trên sách báo, mạng xã hội những kiến thức về chăm sóc cây trồng đúng cách để giúp cây sống khỏe, tránh dịch bệnh. Ông lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi tốt, đảm bảo chất lượng; đồng thời mạnh dạn ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. "Tôi cũng luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội nghị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tổ chức để nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Điểu Hồng Điệp chia sẻ.
Từ những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất, những năm qua, nhiều gương nông dân sản xuất giỏi người đồng bào dân tộc thiểu số còn tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương, tích cực tham gia công tác từ thiện, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Họ chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; loại bỏ những cách thức sản xuất, chăn nuôi đã cũ, lạc hậu không mang lại hiệu quả kinh tế.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Điểu Nen cho biết, những cách làm hay đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế khá giả, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; nhân rộng các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, phát huy nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
K GỬIH