Đắk Nông: phát triển các mô hình giúp bà con dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững

Tận dụng các tiềm năng, thế mạnh sẵn có tại địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông đã lựa chọn các mô hình làm ăn phù hợp để phát triển kinh, cải thiện thu nhập. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các ngành chức năng cũng đã có những hỗ trợ thiết thực, kịp thời để đồng hành với bà con trên hành trình thoát nghèo, vươn lên khấm khá.

01.JPG
Người M’Nông tại xã Quảng Trực (Đắk Nông) thoát nghèo nhờ cây mắc ca và đang góp phần xây dựng một loại nông sản đặc trưng của Đắk Nông

Người M’Nông vùng biên làm giàu nhờ cây mắc ca

Ông Điểu Pao, trú bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện biên giới Tuy Đức là một trong những hộ dân tiên phong trồng mắc ca khi loại cây này được phát triển tại huyện từ các năm 2012 - 2013. Hiện, gia đình ông có hơn 400 cây mắc ca trồng trên 2 ha. Ông Pao cho biết, vườn mắc ca đã cho thu hoạch được 4 năm, mỗi năm gia đình thu được khoảng 2 tấn quả mắc ca tươi, giá bán bình quân khoảng 90.000 đồng/kg, thu về gần 200 triệu.

Ưu điểm của cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư, nên phù hợp với gia đình ông Pao và cũng phù hợp với phong tục, tập quán canh tác của bà con M’nông tại địa phương. Từ chỗ không đủ ăn, nhờ cây mắc ca, gia đình ông Pao đến nay đã có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Điểu Pao là một trong hàng trăm hộ dân tại xã Quảng Trực được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật để trồng mắc ca. Hiện, toàn xã Quảng Trực có hơn 1.400 ha mắc ca, trong đó diện tích đang cho thu hoạch ổn định gần 600ha.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực cho biết, mắc ca là loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng của địa phương và cũng phù hợp với phong tục tập quán canh tác, sản xuất của bà con người M’nông. Năng suất bình quân cây mắc ca trên địa bàn xã hiện khoảng 1,5 tấn/ha/năm. Cá biệt có nhiều hộ canh tác tốt, chăm sóc chuẩn đạt được năng suất 3 - 4tấn/ha/năm.

“Cây mắc ca đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên khấm khá. Đây là loại cây có tiềm năng lớn, khả năng nhân rộng cao. Bà con trồng mắc ca tại Quảng Trực nói riêng, Tuy Đức nói chung được thu hoạch mỗi năm 2 vụ, trong đó vụ nghịch vào tháng 3, vụ thuận vào tháng 8. Việc thu hoạch mắc ca vụ nghịch cũng là một lợi thế “trời cho” nông dân Tuy Đức, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây lạnh và khá khác biệt so với các địa phương khác” – ông Lê Anh chia sẻ thêm.

Những năm qua, thực hiện các chương trình giảm nghèo của trung ương, UBND xã Quảng Trực đã hỗ trợ gần 40.000 cây giống mắc ca cho hàng trăm hộ dân tại địa phương trồng trên 150 ha. Hiện nay, phần lớn số diện tích mắc ca này đều đã cho thu hoạch. Bình quân 1 ha mắc ca bà con thu được từ 0,8 - 1,5 tấn hạt tươi.

Ngoài mắc ca, xã Quảng Trực còn hỗ trợ hơn 300 con bò lai, bò Brahman đực giống để cải tạo đàn bò cỏ của người dân địa phương. Xã còn cấp giống cỏ để người dân trồng trên 5 ha đất phục vụ chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương đã hỗ trợ nhiều mô hình nuôi dê, heo, ngan, gà, vịt cho phụ nữ khó khăn; hỗ trợ giống dâu tằm, cây chùm ngây, khoai lang..., từ đó tạo nguồn thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Cũng theo ông Đoàn Lê Anh, đời sống người dân đã có nhiều đổi thay từ khi các nguồn vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả, nhất là nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Điển hình như bon Bu Prăng 1 (xã Quảng Trực) trước đây là bon đặc biệt khó khăn nhất của xã. Sau quá trình triển khai hỗ trợ người dân ở đây trồng mắc ca tạo nguồn thu nhập, đến nay bon đã được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

“Người dân đã dần chủ động mua cây giống, tìm hướng phát triển sản xuất cho gia đình một cách hiệu quả. Vườn mắc ca đã cho thu hoạch thì ổn định hàng chục năm, năng suất năm sau thường cao hơn năm trước nên bà con cơ bản thoát nghèo bền vững. Đây là cơ sở để xã thực hiện các tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo trong những năm tới”, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực tự tin.

Hiện, để tạo thu nhập ổn định cho người dân, xã đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông từng bước hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất mắc ca theo quy trình đạt chuẩn. Từ đó kêu gọi đầu tư chế biến, kết nối tiêu thụ.

Huyện Tuy Đức hiện có 8 cơ sở tham gia vào hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến quả, hạt mắc ca. Trong đó, các cơ sở chủ yếu tạo ra các sản phẩm mắc ca sấy khô đóng hộp để xuất bán ra thị trường. Theo UBND huyện Tuy Đức, mắc ca đang trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Người Mạ học nghề “ăn cơm đứng”

Tương tự, tại huyện Đắk Glong, hàng trăm nông dân cũng tìm được sinh kế phù hợp khi phát triển các mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Đây được coi là mô hình làm ăn mới, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, trong bối cảnh Đắk Glong cũng là huyện nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

02.JPG
Nhiều hộ dân người Mạ tại huyện nghèo Đắk Glong (Đắk Nông) thành công với nghề trồng dâu, nuôi tằm

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đắk Glong, trồng dâu nuôi tằm là mô hình làm ăn tương đối mới, nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thời gian qua, cũng với các hộ gia đình người Kinh và các dân tộc từ các tỉnh biên giới phía Bắc, nhiều hộ người Mạ tại địa phương cũng đã tích cực học tập, đúc kết kinh nghiệm và thành công với nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện, đây cũng là mô hình có khả năng nhân rộng cao để bà con có thêm nghề mới, vừa có thu nhập ổn định, vừa vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị H Oi, người Mạ, trú tại thôn 3, xã Quảng Khê là một trong những hộ dân tiên phong học nghề trồng dâu nuôi tằm. Chị H Oi chia sẻ đối với người Kinh, đây là nghề truyền thống, quen thuộc, có lịch sử hàng nghìn năm. Nhưng đối với người Mạ, đây là nghề hoàn toàn mới.

Chị H Oi kể lần đầu tiên mình thấy cây dâu, con tằm là cách đây khoảng 10 năm, khi chị nhìn thấy một số chị em trong thôn nuôi tằm. Thấy nghề này dễ làm, nhanh thu hoạch nên chị quyết tâm học theo. Đất đai để trồng dâu thì gia đình không thiếu, khoảnh to, khoảnh nhỏ đều có. Dâu lại là loại cây dễ trồng và cho thu hoạch đều đặn, ít sâu bệnh.

“Mình học nghề và theo nghề từ năm 2020. Hàng tháng nuôi 2 đợt, mỗi đợt 2 hộp giống. Trừ chi phí cũng kiếm được loanh quanh 15 triệu. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình mình, cũng như nhiều hộ dân người Mạ trong xã. Giờ nói lại thì nghe nhẹ nhàng vậy nhưng để học nghề thành công, cũng trải qua nhiều lứa tằm thất thu, lỗ nặng” – chị H Oi chia sẻ.

Theo UBND xã Quảng Khê, năm 2021, khi huyện triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng chục hộ dân trong xã đã được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cây giống, trang thiết bị, con giống để nhân rộng, phát triển các mô hình trồng dâu nuôi tằm. Hầu hết các hộ dân tham gia mô hình hiện đều đã thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Trong đó, có hơn 10 hộ là đồng bào dân tộc Mạ, một dân tộc thiểu số tại chỗ của huyện Đắk Glong nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung. Và các hộ dân này đều đã học được một quy trình tương đối chuẩn để theo nghề “ăn cơm đứng”.

Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đắk Glong, quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện xác định bên cạnh việc đâu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học… để phục vụ bà con phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho con em nông dân thuận lợi việc học hành, thì việc phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với các đặc thù, thế mạnh và phong tục tập quán của người dân địa phương là một ưu tiên hàng đầu. Nhờ vị trí nằm giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, kén tằm do bà con Đắk Glong sản xuất ra được bao tiêu với giá cao, ổn định, nông dân dễ dàng có thu nhập khá, đều đặn hàng tháng. Hiện, Đắk Glong có 6 xã thì xã nào cũng có người dân theo nghề trồng dâu, nuôi tằm và ngành chức năng huyện, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng các mô hình chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ bàn con thoát nghèo bền vững.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, tổng vốn giao trong 3 năm (2022 – 2024) để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) tại 8 huyện, thành phố của tỉnh hơn 92 tỷ đồng.

05.jpg
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, các địa phương đang gấp rút triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bền vững. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, trực tiếp phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, giúp bà con thuận tiện hơn trong phát triển kinh tế, thụ hưởng các giá trị văn hóa, tinh thần. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã xây dựng, lên kế hoạch giúp bà con phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và phong tục, tập quán canh tác, sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo. Hiện, các địa phương có kết quả giải ngân tương đối là huyện Krông Nô, Tuy Đức, Đắk Song, Cư Jút, Đắk Glong, Đắk Mil. Dự kiến, đến cuối năm 2024 các huyện này giải ngân hết 100% vốn được giao.

03.JPG
Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ tốt công tác dạy và học

Cũng theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, nhìn chung, qua hơn 3 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, các chính sách giảm nghèo đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; diện mạo nông thôn, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn chỉnh; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh.

04.JPG
Xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Đời sống người nghèo từng bước được cải thiện với việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt, tiếp cận thông tin, nguồn nước hợp vệ sinh... Từ đó, góp phần lớn vào việc thực hiện các chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Các kết quả này đạt được rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng sau thời gian dịch bệnh Covid - 19 và tình hình suy thoái kinh tế. Qua đó, cũng thể hiện tính hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, ngành chức năng, chính quyền các địa phương; sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Cụ thể, tại kỳ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn tỉnh Đắk Nông có 18.290 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,19% trên tổng số hộ. Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chung là 12.789 hộ, chiếm tỷ lệ 27,98% tổng số hộ dân tộc thiểu số chung. Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 5.187 hộ, chiếm tỷ lệ 32,81% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ.

Tại kỳ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông còn 8.838 hộ nghèo, giảm 4.504 hộ so với kỳ rà soát cuối năm 2022, chiếm tỷ lệ 5,18% trên tổng số hộ toàn tỉnh. Trong đó, hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số chung còn 6.419 hộ. Hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn 2.678 hộ, chiếm tỷ lệ 16,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ.

Như vậy, qua 3 năm từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm được 6,01%, đây là kết quả minh chứng cho việc áp dụng đồng bộ, triển khai kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2024 vừa qua, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.

Minh Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm