Nắm bắt được xu thế tất yếu trong quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao giá trị, tạo đầu ra cho nông sản của đồng bào dân tộc...
Đắk Nông có tổng diện tích tự nhiên trên 650.000 ha, trong đó có hơn 380.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Với thế mạnh về đất bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, phục vụ xuất khẩu. Đắk Nông hiện là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng hồ tiêu; đứng thứ 3 cả nước về diện tích, sản lượng cà phê. Với nhóm ngành cây ăn quả, Đắk Nông có diện tích sầu riêng, bơ… lớn.
Nhiều năm qua, Đắk Nông đã thúc đẩy các giải pháp nhằm chuyển đổi số ngành nông nghiệp, coi đây là động lực mới cho lĩnh vực này phát triển. Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá khoảng 700 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Tỉnh cũng hoàn thiện địa chỉ OCOPDAKNONG.VN, chuyên giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP. Không chỉ tạo cơ hội để thị trường biết đến nông sản Đắk Nông, việc quảng bá trên sàn TMĐT còn giúp nông dân bán sản phẩm dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời nhận thức được trách nhiệm đối với sản phẩm mà mình làm ra.
Nhằm giúp nông dân dễ dàng tiếp cận và tham gia TMĐT, Đắk Nông đã hỗ trợ số hóa thông tin cho trên 111.000 hộ sản xuất nông nghiệp, đạt tỷ lệ 92,8%; số hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số trên 135.700 hộ, đạt tỷ lệ hơn 80,5% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp còn đề xuất ứng dụng phần mềm AutoAgri để quản lý một số ngành hàng có tiềm năng như sầu riêng, bơ…
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, công tác chuyển đổi số, nhất là phát triển hạ tầng số của tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ xây dựng dữ liệu ngành nông nghiệp, bao gồm đầy đủ các lĩnh vực, chuyên ngành đến nay chưa hoàn thiện. Để có đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản, Đắk Nông cần nâng cấp hạ tầng máy tính, thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối, thiết bị an toàn thông tin, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin…; đẩy mạnh triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ quản lý điều hành, cung cấp thông tin kịp thời; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp thông tin, giao dịch mua bán nông sản; xây dựng hệ thống thực tế ảo 3D mô hình canh tác và hội chợ triển lãm nông sản nhằm thu hút đầu tư trên môi trường mạng…
Đắk Nông xác định để có đầu ra ổn định, lâu dài cho nông sản, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, qua đó xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, khơi thông thị trường.
Minh Hưng