Được sự ưu tiên, phân bổ nguồn lực của trung ương và tỉnh, sau hơn 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) đã có những đổi thay cơ bản. Đây là nền tảng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền huyện Tuy Đức tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, ổn định an ninh chính trị, góp phần đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.
Mục tiêu lớn cho huyện nghèo vùng biên
Tuy Đức là huyện biên giới nằm ở phía Tây tỉnh Đắk Nông. Đây là huyện có đường biên giới dài hơn 40km, tiếp giáp với huyện Ou Reang, tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Tuy Đức cũng là 1 các huyện nghèo của cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách 74 huyện nghèo trong cả nước, giai đoạn 2021 – 2025.
Tuy Đức có tổng diện tích tự nhiên gần 112.000ha, dân số hơn 67.000 người với 24 dân tộc, chủ yếu là Kinh, M’Nông, H’Mông, Tày, Nùng, Dao, Hoa… Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số gần 31.000 người, chiếm hơn 46% dân số.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023, tổng số hộ nghèo toàn huyện hơn 3.100 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 18%). Trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hơn 1.000 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 31%).
Về đơn vị hành chính, huyện Tuy Đức có 6 đơn vị cấp xã, với 73 thôn, bon, bản thì có tới 5 xã và 50 thôn, bon, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Tổng thu ngân sách của huyện đạt gần 57 tỷ đồng; tổng chi ngân sách gần 720 tỷ đồng, tức chi gấp gần 13 lần thu.
Là huyện biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn, Tuy Đức là địa phương được ưu tiên phân bổ nguồn lực để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện các chương trình được kỳ vọng sẽ giúp Tuy Đức khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân so với các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông nói riêng, cả nước nói chung.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Tuy Đức cũng ưu tiên quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư kết hợp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hô gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân; ưu tiên bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, cải thiện đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số… Qua đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với chú trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Là một huyện nghèo, mộ trong những ưu tiên hàng đầu của Tuy Đức là đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của người dân so với bình quân chung của cả tỉnh; giảm dần số xã, thôn, bon, bản đặc biệt khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tạo sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo.
Theo UBND huyện Tuy Đức, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện gần 600 tỷ đồng. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 297 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gần 214 tỷ đồng; và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 82 tỷ đồng.
KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHUYỂN, BỔ SUNG VỐN ĐỐI ỨNG
Hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện cơ bản đã được triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ lớn, trong khi đối tượng thụ hưởng được phân bổ vốn ở cả 3 chương trình, dẫn đến một số tiểu dự án không còn đối tượng thụ hưởng, không có khả năng giải ngân hết nguồn vốn. Thêm nữa, nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh Đắk Nông thuộc kế hoạch vốn năm 2022 hơn 5,2 tỷ đồng đến nay chưa được bố trí; nguồn vốn hỗ trợ nhà ở theo định mức 70 triệu đồng/nhà xây mới (từ năm 2023) đến nay vẫn chưa được bố trí để triển khai thực hiện. Do đó, huyện Tuy Đức kiến nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông sớm bố trí vốn theo quy định, kế hoạch để các chương trình được hoàn thành đúng các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Nhiều kết quả nổi bật, toàn diện
Trong báo cáo gửi Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn mới đây, UBND huyện Tuy Đức đã nêu ra nhiều kết quả nổi bật, toàn diện về thay đổi kết cấu hạ tầng, diện mạo nông thôn sau hơn 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện.
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của các địa phương huyện Tuy Đức tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, người dân được hỗ trợ nhiều mô hình hiệu quả để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, nhất là đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Cụ thể, đối với các chỉ tiêu về hạ tầng, tỷ lệ cứng hoá đường huyện đạt trên 95%; tỷ lệ thôn, bon, bản có 2 - 3 km đường được cứng hóa gần 88%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 94%; tỷ lệ thôn, bon, bản có điện là 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,5%...
Cũng theo báo cáo kết quả giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia của UBND huyện Tuy Đức, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng vốn đã giải ngân giai đoạn 2022 - 2024 đạt gần 340/584 tỷ đồng, đạt hơn 58% kế hoạch. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 135/264 tỷ đồng, đạt hơn 51%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 167/256 tỷ đồng, đạt hơn 65%; và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hơn 37/63 tỷ đồng, đạt gần 60%.
Điển hình, các tiểu dự án có tỷ lệ giải ngân cao bao gồm: Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) có tổng vốn được giao hơn 103 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện 2 dự án Ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Tân và xã Quảng Tâm. Đến nay, đã giải ngân hơn 56/103 tỷ đồng, đạt gần 55%; Ước thực hiện đến hết năm 2024 đạt 100% kế hoạch. Hay dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc với tổng vốn hơn 73 tỷ đồng; Ước thực hiện đến hết năm 2024 đạt 100% kế hoạch…
Theo UBND huyện Tuy Đức, trong thời gian qua, với được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của tỉnh Đắk Nông và sự quyết tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của huyện Tuy Đức, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng nâng cao; đặc biệt là các dự án, kế hoạch hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn huyện nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Đồng thời, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia, đóng góp tích cực hơn vào xây dựng nông thôn mới, từ đó đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, đặc biệt là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội đã tạo điều kiện cho các hộ ổn định, từng bước phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập hộ gia đình, giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu lương thực; góp phần làm xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống và củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Theo các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, bên cạnh nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, huyện Tuy Đức cũng đã được ưu tiên nguồn lực để thực hiện nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô tương đối lớn. Điển hình như dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, tiểu dự án tỉnh Đắk Nông có tổng vốn đầu tư hơn 380 tỷ đồng; dự án đường vào xã Đắk Ngo có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng… Đáng chú ý hơn, tháng 3/2024, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông cũng thông qua chủ trương cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 (nối từ đường Hồ Chí Minh và cửa khẩu Bu P’răng) đạt quy mô đường cấp 3 miền núi với tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương; thời gian thực hiện từ năm 2025-2028./.
GIẢM NHANH, BỀN VỮNG HỘ NGHÈO
Năm 2016, tổng số hộ nghèo chung toàn huyện Tuy Đức là 7.539 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 56%; Trong đó, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 4.092 hộ, chiếm tỷ lệ gần 80%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 2.232 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 32%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Tuy Đức đạt trên 31,3 triệu đồng/năm (tăng 5,6 triệu đồng so với năm 2021). Các chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục, y tế cũng đạt nhiều kết quả, tiến bộ vượt bậc. Huyện có 100% xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt trên 98%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%. Đối với giáo dục, huyện tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,5%...
Minh Hưng