Theo Sở Y tế Đắk Nông, diễn biến dịch sốt xuất huyết trong những năm gần đây không còn theo tính chất chu kỳ và diễn biến dịch bệnh rất khó lường. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 4.600 ca mắc sốt xuất huyết, việc phòng chống dịch bệnh này không chỉ là ưu tiên của ngành y tế.
70/71 xã, phường, thị trấn ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế Đắk Nông, tính đến ngày 23/10/2024, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 4.591 ca mắc sốt xuất huyết tại 70/71 xã/phường/thị trấn. Xã duy nhất toàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân là xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô. Toàn tỉnh cũng ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Đây là một bệnh nhân thường trú tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Nông, lũy tích số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại cơ sở y tế tính từ đầu năm đến này gần 3.600 ca, chiếm gần 80% tổng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của toàn tỉnh.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận ngay từ đầu năm do sự kéo dài của diễn tiến năm 2023. Ngành y tế xác định, “đỉnh” dịch năm 2024 nằm ở tuần 27 (cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024) với 322 ca mắc. Tính đến tháng 10/2024 diễn biến dịch sốt xuất huyết tại Đắk Nông có giảm nhưng chưa bền vững. Đáng chú ý hơn, một số địa phương phía Bắc tỉnh Đắk Nông (tiếp giáp với tỉnh Đắk Lắk) có xu hướng gia tăng số ca mắc bệnh này.
Lũy kế từ đầu năm, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 203 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó có 193 ổ dịch đã kết thúc, 10 ổ dịch đang hoạt động.
Cũng theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất ở tháng 7/2024 với 1.151 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc từ tháng 4 đến tháng 9/2024 vượt ngưỡng cảnh báo dịch và diễn biến dịch sốt xuất huyết năm 2024 tương đồng năm 2019 (là năm ghi nhận số ca mắc cao nhất từ trước tới nay với hơn 5.500 ca).
Tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 85% số mắc sốt xuất huyết tập trung ở 4 huyện, thành phố phía Nam tỉnh Đắk Nông, bao gồm: thành phố Gia Nghĩa và các huyện Đắk R’Lấp, Đắk Song Đắk Mil. Trong đó thành phố Gia Nghĩa có hơn 1.800 ca, chiếm khoảng 40% số mắc toàn tỉnh. Năm 2024, 8/8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông đều không đạt chỉ tiêu về khống chế số ca mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân. Theo đó, chỉ tiêu giao <150 ca/100.000 dân, còn trên thực tế, huyện số ca mắc thấp nhất là Krông Nô có tỷ lệ 155 ca/100.000 dân, thành phố Gia Nghĩa có tỷ lệ hơn 2.500 ca/100.000 dân.
Kết quả giám sát véc tơ ghi nhận muỗi Aedes aegypty là véc tơ chính. Chỉ số BI (Breteau index, tức chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes aegypty) trong 100 nhà điều tra trên ngưỡng cảnh báo ở các tháng cao điểm (tháng 6, 7, 8/2024).
Diệt muỗi từ gốc, huy động sự tham gia của từng cá nhân, hộ gia đình
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất cho các khu vực có muỗi Aedes aegypty mang mầm bệnh lưu hành là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, tức là tiêu diệt tại gốc. Việc làm giảm số lượng trứng, ấu trùng/bọ gậy và thanh trùng/loăng quăng sẽ giảm xuất hiện muỗi trưởng thành và lây truyền bệnh.
Theo đó, các vật dụng chứa nước mưa hoặc chứa nước ăn uống sinh hoạt cần được đậy kín nắp hoặc tiêu hủy, vệ sinh định kỳ phù hợp. Cần rửa, vệ sinh thường xuyên các dụng cụ chứa nước để loại bỏ trứng muỗi ít nhất một lần mỗi tuần. Khi làm như vậy sẽ ngăn chặn muỗi trưởng thành phát triển từ cả 3 giai đoạn (trứng/ấu trùng/loăng quăng). Trên thực tế, chìa khóa để phòng chống sốt xuất huyết là sự tham gia của cộng đồng. Khi mọi gia đình có ý thức làm giảm mật độ các vật trung gian gây bệnh, thì tỷ lệ lây truyền bệnh sẽ giảm hoặc thậm chí được ngăn chặn.
Phát biểu tại lễ phát động, ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết được UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào ngày 2/10, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, “lễ ra quân hôm nay không phải mang tính hô hào, làm theo phong trào mà để nhắc nhở toàn thể cộng đồng về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Những thông điệp về giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh sốt xuất huyết sẽ đi vào thực chất tới từng ngõ, từng nhà. Toàn thể người dân tự nâng cao ý thức trong phòng chống sốt xuất huyết, từ đó có thể thực hiện thắng lợi công tác phòng chống sốt xuất huyết của toàn tỉnh”.
Tiếp sau lễ phát động của tỉnh, đồng loạt 71/71 xã, phường, thị trấn của tỉnh Đắk Nông đã tổ chức lễ phát động ra quân diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. 71/71 xã đăng ký lịch triển khai hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy 2 tuần/lần vào các tháng cao điểm, 1 tuần/lần tại các ổ dịch; 100% ổ dịch được xử lý bằng phun hóa chất kết hợp diệt lăng quăng/bọ gậy.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh các đơn vị, địa phương còn lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch bệnh; đồng thời khuyến cáo người dân có triệu chứng nghi mắc sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế để được khám, điều trị, tư vấn kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, sau đợt phát động, ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết, số ca mắc mới sốt xuất huyết trong tuần tiếp theo có xu hướng giảm gần 150 ca so với tuần trước đó. Để tiếp tục duy trì kết quả đạt được, UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy với khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”; giao Sở Y tế tập trung nhân lực, vật lực, xử lý sớm các ổ dịch; giao UBND các huyện, thành phố tiếp tục thông tin, truyền thông về vai trò quan trọng của phòng chống sốt xuất huyết…
Theo Sở Y tế Đắk Nông, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Sở đã tham mưu tuyến trên và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; đồng thời tham mưu tổ chức, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát do UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông chủ trì về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên toàn tỉnh. Công tác giám sát được triển khai đồng bộ, rộng khắp với 4 hình thức, bao gồm: giám sát hỗ trợ chuyên môn; giám sát ca bệnh; giám sát huyết thanh; giám sát véc tơ.
Đối với tuyến tỉnh, ngành y tế luôn chủ động đảm bảo về hóa chất, vật tư trong công tác phòng, chống dịch cũng như công tác điều trị. Chủ động liên hệ hỗ trợ từ Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để đảm bảo hóa chất xử lý dịch trong đợt cao điểm sốt xuất huyết tại thành phố Gia Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp; chủ động kịp thời trong công tác mua sắm, đấu thầu hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các đơn vị tuyến huyện, thành phố chủ động, sẵn sàng đáp ứng với công tác phòng chống dịch tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, đảm bảo cơ bản cơ số máy móc, thiết bị, vật tư, hóa chất phòng chống dịch tại một số địa phương; Đảm bảo một phần kinh phí hỗ trợ xăng xe cho cộng tác viên, đội xung kích phòng chống sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn do vẫn còn tình trạng thiếu hóa chất cục bộ trong giai đoạn dịch bệnh gia tăng; Máy phun thuốc diệt muỗi và côn trung (ULV) đeo vai xuống cấp, không có dụng cụ thay thế. Kinh phí phòng chống dịch bệnh cấp chậm, muộn…
Bên cạnh đó, công tác huy động sự tham gia của cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí hỗ trợ cho lực lượng vãng gia không có. Nhận thức của người dân và hộ gia đình về phòng chống dịch sốt xuất huyết còn hạn chế trong bối cảnh quần thể véc-tơ truyền bệnh (muỗi Aedes aegypty) phân bố rộng, mật độ cao. Chính quyền tại một số địa phương chưa vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng chống sốt xuất huyết…
UBND tỉnh Đắk Nông cũng giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, nhất là các nội dung thuộc trách nhiệm của cấp huyện, cấp cơ sở và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để sốt xuất huyết bùng phát mạnh, kéo dài./.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, ngành y tế Đắk Nông xác định việc nâng cao năng lực chuyên môn và hiệu quả hệ thống giám sát ca bệnh là một ưu tiên trọng tâm, hàng đầu. Ngành y tế tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm hoàn thiện thủ tục mua sắm máy móc để đáp ứng cơ số tối thiểu tại tuyến huyện; có các giải pháp hiệu quả để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, góp phần hình thành thói quen phòng bệnh trong cộng đồng của mỗi công dân (trong đó có hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình, nơi làm việc, học tập…).
Bên cạnh việc phát động các đợt cao điểm, ra quân dọn vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết các ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm (ưu tiên các ổ dịch, điểm nóng, khu vực nguy cơ cao); Nâng cao vai trò người đứng đầu ở chính quyền tuyến cơ sở, chỉ đạo quyết liệt trong hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy định kỳ, góp phần phòng chống hiệu quả, bền vững dịch sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Liên quan tới tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, giữa tháng 7/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đa có công văn chỉ đạo Sở Y tế chậm nhất trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm phát hiện phải triển khai các giải pháp xử lý ổ dịch hoặc vùng có nguy cơ cao; thực hiện nghiêm công tác giám sát các ca bệnh và báo cáo, cập nhật kết quả hàng ngày về cho UBND tỉnh Đắk Nông để kịp thời xử lý, chỉ đạo.
Hưng Thịnh