Tiền Giang khẩn trương dập dịch sâu đầu đen hại dừa

Bùng phát trong những tháng đầu năm 2024, dịch sâu đầu đen hại dừa tập trung tấn công các vườn dừa ở các vùng chuyên canh lớn của tỉnh Tiền Giang với diện tích gần 280 ha; trong đó, huyện Chợ Gạo trên 245 ha, huyện Tân Phú Đông trên 33ha, còn lại nằm rải rác ở các địa phương khác, tăng trên 242 ha so với năm 2023.

vna_potal_tien_giang_no_luc_khong_che_sau_dau_den_bao_ve_vuon_dua__7653740.jpg
Người dân huyện Chợ Gạo phun thuốc phòng ngừa sâu đầu đen ở những vườn dừa chưa bị phá hại. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Trước tình hình trên, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết: Đơn vị đang phối hợp với các địa phương có vùng trồng dừa chuyên canh tập trung lớn là Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm nỗ lực ứng phó dịch sâu đầu đen hại dừa, không cho lây lan ra diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cùng với các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý khẩn cấp, hiệu quả để tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền qua hệ thống loa của trung tâm văn hóa thể thao và truyền thanh huyện, xã cho người dân chuyên canh dừa trên địa bàn được biết; tích cực áp dụng đồng bộ giải pháp phòng trừ sâu đầu đen; tập huấn, hướng dẫn, phát tờ rơi cho người dân về quy trình tạm thời phòng, chống sâu đầu đen hại dừa; vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng, không có khả năng phục hồi.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, năm 2024, toàn tỉnh tổ chức 50 lớp tập huấn, tuyên truyền qua hệ thống loa, phát tờ rơi về nhận dạng đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại và các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa cho nông dân vùng chuyên canh nhân nuôi và phóng thích 1.300 mummy (Xác bọ dừa có chứa ong ký sinh) ong ký sinh nhộng sâu đầu đen và 30.900 con ong ký sinh giai đoạn ấu trùng sâu đầu đen; tổ chức các đợt phun xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen với diện tích trên 100 ha bao gồm huyện Chợ Gạo gần 70 ha và huyện Tân Phú Đông trên 20 ha, còn lại là các địa phương khác. Qua theo dõi, trước mắt, diện tích đã phun xịt mang lại hiệu quả, dịch sâu đầu đen hại dừa tại đây cơ bản được khoanh vùng, khống chế.

Đồng thời, cơ quan chức năng đã in ấn và phổ biến sâu rộng tờ bướm hướng dẫn biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen hại dừa theo hướng dẫn tại Công văn số 365/CCTT&BVTV-TT&BVTV ngày 03/6/2021 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang.

vna_potal_tien_giang_no_luc_khong_che_sau_dau_den_bao_ve_vuon_dua__7653761.jpg
TS. Trần Thị Mỹ Hạnh (thứ ba, phải sang), Viện Cây ăn quả miền Nam, giới thiệu chế phẩm sinh học để phòng ngừa, quản lý sâu đầu đen trên cây dừa. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tổ chức 1 lớp huấn luyện giảng viên (TOT) về hướng dẫn nhận biết đặc điểm hình thái, triệu chứng gây hại, phương pháp điều tra, xác định diện tích nhiễm và biện pháp phòng trừ đối với sâu đầu đen gây hại trên cây dừa cho cán bộ kỹ thuật các cấp.

Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Thành Thành Công tổ chức tập huấn cho nông dân tại xã Xuân Đông; hướng dẫn thả ong ký sinh, tặng ong ký sinh mắt đỏ cho nông dân trồng dừa tại huyện Chợ Gạo; tổ chức phun dầu BSF và thả ong mắt đỏ trên 30 hộ nông dân nhiễm sâu đầu đen tại xã Xuân Đông.

Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo người trồng dừa áp dụng biện pháp hóa học phòng trừ, khống chế kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng biện pháp sinh học khác như nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn.

Sắp tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức thêm các lớp đào tạo giảng viên (TOT) về phòng trị sâu đầu đen trên dừa cho cấp huyện, cấp xã có vùng trồng dừa chuyên canh cũng như tăng cường nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên sâu đầu đen hại dừa nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen hại dừa.

vna_potal_tien_giang_no_luc_khong_che_sau_dau_den_bao_ve_vuon_dua__7653752.jpg
Máy đào phá bỏ những cây dừa lâu năm bị sâu đầu đen phá hại, không có khả năng phục hồi. Ảnh: Hữu Chí - TTXVN

Riêng huyện Chợ Gạo có diện tích dừa bị sâu đầu đen lớn nhất tỉnh, trên 245 ha đang chủ động cân đối dự phòng ngân sách huyện hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, công cắt tỉa tàu dừa... để trừ sâu đầu đen hại dừa theo hướng dẫn của Sở Tài Chính.

Tiền Giang hiện có trên 22.000 ha dừa với sản lượng trên 247.000 tấn quả. Diện tích dừa chuyên canh tập trung lớn nhất tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm