Tỉnh Đắk Lắk là một trong 10 tỉnh, thành phố có số lượng nhà yến và sản lượng yến cao nhất cả nước. Tỉnh có nhiều dư địa phát triển ngành hàng yến sào, do đó, số nhà yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành hàng yến sào, tỉnh Đắk Lắk đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sớm có các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng này.
Nhiều dư địa phát triển
Ngành yến sào Đắk Lắk có nhiều lợi thế phát triển với thảm thực vật phong phú, hệ thống ao hồ nhiều, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến sinh sôi, phát triển. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang thị trường Trung Quốc thành công là cơ hội lớn để ngành hàng yến sào của tỉnh phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 nhà yến, rải đều ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố.
Ea Kar là địa phương có số lượng nhà yến nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk với trên 300 nhà. Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Lê Đình Chiến cho biết, phong trào làm nhà yến, nuôi chim yến phát triển trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay. UBND huyện đã ban hành các văn bản đề nghị người dân, doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tuyên truyền các quy định về xây dựng nhà yến, đặc biệt là tuyên truyền cách phòng, trừ bệnh, quản lý dịch bệnh, bảo đảm an toàn đối với sản phẩm tổ yến. Ngoài ra, huyện đang thúc đẩy hình thành 1 - 2 tổ hợp tác, hợp tác xã yến sào Ea Kar; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu yến sào; xây dựng các sản phẩm OCOP từ tổ yến.
Thuận lợi là vậy, song thời gian qua, việc nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chủ yếu là tự phát, chưa hình thành được các chuỗi liên kết giữa cơ sở sản xuất với đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu sản phẩm tổ yến. Đa số người nuôi chim yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến, trang thiết bị lắp đặt, thông tin thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, thực tế vẫn có trường hợp người dân đầu tư tiền tỷ vào xây dựng nhà yến nhưng sản lượng thu hoạch tổ yến rất thấp, thậm chí nhiều nhà xây dựng xong không có yến về làm tổ, người nuôi chim yến gặp khó khăn về giá cả, thị trường, nhân công…
Gia đình ông Lê Đăng Nguyên, xã Ea Bông, huyện Krông Ana bắt đầu nghề nuôi chim yến từ năm 2018. Từ nghề tay trái, đến nay, việc nuôi chim yến đã trở thành thu nhập chính của gia đình. Theo ông Nguyên, trong 3 năm gần đây, giá tổ yến thô tại tỉnh Đắk Lắk liên tục giảm, môi trường ngày càng bị thu hẹp, thức ăn của chim yến ngày càng giảm nên đàn yến đang chững đàn. Ngoài ra, gia đình ông Nguyên còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng tổ yến để xuất khẩu.
Cũng bắt đầu nghề nuôi chim yến từ năm 2018, gia đình chị Ngô Thị Thu Thảo, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar hiện có hai nhà yến và cơ sở sản xuất tổ yến rút lông khô. Chị Thảo cho biết, cơ sở của chị đang thiếu nguồn nguyên liệu và thiếu nguồn công nhân ổn định. Mặt khác, giá tổ yến thô giảm và không ổn định, gây khó khăn cho người nuôi chim yến. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc đòi hỏi ngày càng cao về mẫu mã, kỹ thuật các sản phẩm từ yến, đòi hỏi người nuôi chim yến phải trau dồi kỹ thuật về xây dựng nhà yến, tiếp thu và thay đổi để sản phẩm yến thô đạt chất lượng, cải tiến mẫu mã theo nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, đa số các nhà yến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện nay chủ yếu bán tổ yến thô hoặc tự sơ chế để bán. Các cơ sở chế biến sâu sản phẩm tổ yến còn ít, chưa đa dạng hóa sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, tỷ trọng xuất khẩu chưa cao; một số sản phẩm yến chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường quốc tế, chưa truy xuất được nguồn gốc; chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong xây dựng, bảo vệ môi trường, vận hành, quản lý nhà yến… là những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển ngành hàng yến sào tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sản lượng tổ yến trên cả nước đạt 200 - 250 tấn vào năm 2025, đạt 350 - 400 tấn vào năm 2030. Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, sản lượng tổ yến đạt khoảng 8 - 12 kg/nhà yến/năm (cá biệt có những nhà yến đạt 18 - 20 kg/nhà yến/năm), tương đương sản lượng tổ yến của tỉnh đạt 8 - 10 tấn/năm. Dự kiến, sản lượng tổ yến của tỉnh tăng trung bình khoảng 8 - 10%/năm, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của cả nước.
Số nhà yến trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng nhanh, đặt ra vấn đề cho người nuôi yến và doanh nghiệp chế biến là phải thiết lập một quy trình chuẩn từ vệ sinh nhà nuôi đến kỹ thuật thu hoạch, lấy mẫu kiểm nghiệm để tăng thêm số lượng cơ sở được thị trường Trung Quốc chấp thuận. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà yến cần phải có sự cân nhắc dựa trên định hướng, khuyến cáo và lựa chọn các đơn vị khảo sát, tư vấn có uy tín, tránh đầu tư tràn lan, thiếu thông tin dẫn tới không hiệu quả.
Chủ tịch Hội Yến sào tỉnh Đắk Lắk Phạm Văn Hậu cho biết, hội được thành lập vào tháng 7/2022, đến nay có 120 hội viên chính thức. Để tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững ngành hàng yến sào, Hội kiến nghị cần có quy hoạch cụ thể, phù hợp về vùng nuôi chim yến trên địa bàn toàn tỉnh, xem xét quy hoạch vùng nuôi chim yến phát triển về hướng Tây Bắc, Tây Nam; hạn chế xây dựng nhà yến tại các khu vực với mật độ nhà yến dày đặc. Đồng thời, tỉnh cần có quy trình hướng dẫn cụ thể trong việc cấp phép xây dựng nhà yến tại mỗi địa phương; bảo vệ sản phẩm, thương hiệu yến Đắk Lắk, không cho phép các loại yến nhập khẩu phá giá và trá hình đổ đồng với chất lượng yến địa phương.
“Liên quan đến xuất khẩu, Hội đề nghị chính quyền các địa phương tạo điều kiện ký xác nhận về nhà yến tại địa bàn; tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật trong vận hành, khai thác tổ yến và chung tay nâng cao chất lượng tổ yến. Bên cạnh đó, tỉnh cần ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và Hội Yến sào để bảo vệ chim yến khỏi nạn săn bắt giết thịt và phóng sinh; tổ chức các chương trình giao lưu học tập kinh nghiệm, kết nối để phát triển ngành yến, các sản phẩm về tổ yến với các tỉnh, thành có nhiều kinh nghiệm về ngành hàng yến sào; hỗ trợ gian hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối thương mại, tăng cường đầu ra cho sản phẩm tổ yến”, ông Phạm Văn Hậu nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi chim yến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Trung ương sớm ban hành các quy định về ngành hàng yến sào liên quan đến cơ chế, chính sách; tiêu chuẩn, quy chuẩn; môi trường, phòng chống dịch bệnh cũng như hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, Sở đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xây dựng Đề án phát triển ngành hàng yến bền vững. UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà yến và bản đồ hiện trạng nhà yến, làm cơ sở để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, định hướng phát triển nhà nuôi chim yến; tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm quy định để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng yến bền vững.
Theo thông tin từ Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long, cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến. Năm 2023, cả nước có 26.561 nhà nuôi chim yến. Đến nay, Việt Nam có 69 doanh nghiệp đã gửi văn bản cho Cục Thú y để đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng chuỗi sản xuất và đăng ký với phía Trung Quốc để xuất khẩu các sản phẩm tổ yến; có 12 doanh nghiệp đã được phía Trung Quốc chấp nhận cho phép xuất khẩu chính ngạch tổ yến. Để ngành yến Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, các địa phương và doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ nội dung của Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch tổ yến mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho rằng, các địa phương cần kiểm soát được tình hình dịch bệnh, chứng minh trên địa bàn không có dịch bệnh cúm gia cầm, bệnh Newcastle; phải có hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ sở nuôi chim yến; giám sát an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp phải có kế hoạch trong việc quản lý sản xuất các chuỗi nhà yến; tuân thủ nghiêm ngặt sân chơi và yêu cầu của nước nhập khẩu; chứng minh an toàn dịch bệnh; rà soát lại cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình công nghệ, , đảm bảo chứng minh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần đoàn kết, thống nhất, cùng nhau chia sẻ, khai thác tốt thị trường xuất khẩu…
Hoài Thu