Điều kiện tự nhiên, khí hậu khô nóng đã tạo điều kiện cho tỉnh Ninh Thuận phát triển nhiều loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò. Để nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết, tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu sản phẩm của thị trường.
Anh Trần Văn Hoàng là một trong những hộ liên kết nuôi cừu vỗ béo ở xã An Hải, huyện Ninh Phước cho hay, cùng với chăn thả ngoài tự nhiên bà con kết hợp áp dụng mô hình nuôi cừu vỗ béo để tăng hiệu quả sản xuất. Mỗi con cừu giống ban đầu có trọng lượng từ 10-15 kg được nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cỏ, các loại lá nho, táo kết hợp cám, bột ngô, bột sắn, hèm rượu; sau khoảng 4 tháng nuôi, cừu đạt trọng lượng khoảng 35 kg thì có thể xuất bán.
“Nhờ liên kết sản xuất, cơ sở thu mua hỗ trợ mua giống với lãi suất thấp, thuốc thú y, bao tiêu đầu ra nên yên tâm chăn nuôi. Nuôi cừu vỗ béo rút ngắn được thời gian nuôi đáng kể, trọng lượng cừu tăng từ 20 - 30% so với cách nuôi truyền thống; lông bóng đẹp và hệ tiêu hóa phát triển tốt nên ít bị dịch bệnh. Vừa qua, nhà xuất bán 7 con với giá 110.000 đồng/kg, thu về gần 27 triệu đồng”, anh Hoàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Đoài, chủ cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) cho hay, việc liên kết theo thỏa thuận đảm bảo hai bên cùng có lợi; cơ sở hiện đang liên kết với khoảng 40 hộ chăn nuôi dê, cừu để tạo nguồn hàng cung cấp dạng nguyên con cùng các sản phẩm chế biến từ thịt dê, cừu để cung cứng cho thị trường. Cơ sở thu theo giá trên thị trường vào bất kỳ lúc nào các hộ có yêu cầu bán, giải quyết khâu đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi.
Cùng với mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất dê, cừu; thời gian qua, một số mô hình liên kết sản xuất cũng đã được khẳng định hiệu quả kinh tế như mô hình nuôi heo liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (các hộ nuôi theo nhiều nhóm quy mô khác nhau, phần lớn nuôi từ 300 con trở lên); chuỗi liên kết nuôi heo đen, gà huyện Thuận Bắc; liên kết nuôi bò vỗ béo tại huyện Ninh Sơn... đã tạo động lực phát triển chăn nuôi bền vững cho hàng trăm hộ dân ở các địa phương.
Thời gian qua, Ninh Thuận đã chú trọng phát triển những loài vật nuôi có tiềm năng, lợi thế hướng tới tăng năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có đàn dê, cừu trên 279.000 con; trên 120.000 con bò; gần 4.000 con trâu; trên 103.000 con heo. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu, nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận,... Đây là những vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi cũng đang gặp không ít khó khăn, do những năm gần đây thời tiết khô hạn kéo dài khiến những đồng cỏ ở địa phương dần trơ trụi và ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp; chưa có hợp đồng với các công ty, nhà cung cấp để tiêu thụ sản phẩm mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên người chăn nuôi thường bị ép giá, chưa kể một số dịch bệnh thường xuyên đe dọa đến quy mô đàn.
Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng tăng các trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn gắn với quy hoạch đồng cỏ với mục tiêu là phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các loại vật nuôi có lợi thế so sánh như cừu, dê, bò.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ninh Thuận tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chăn nuôi theo quy mô trang trại và xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ cung ứng đầu vào, sản xuất, chế biến, tiêu thụ; khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học; áp dụng chăn nuôi theo chuẩn thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (VietGAHP).
Bên cạnh đó, tỉnh từng bước chuyển mô hình chăn nuôi gia súc có sừng từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt vỗ béo với nguồn thức ăn chủ động.
Đồng thời, tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống, áp dụng giống mới năng suất cao... Đặc biệt, tạo điều kiện thực hiện liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi giá trị theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi, tạo ra mối liên kết "4 nhà" hiệu quả và vững chắc; đồng thời xây dựng, phát triển thương hiệu để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của tỉnh trên thị trường.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết thêm, thời gian tới, Chi cục phối hợp với các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để kiểm soát quá trình chăn nuôi.
Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi; giám sát vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn và các tỉnh, thành qua địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ninh Thuận xuất chuồng 73.694 con dê, cừu, sản lượng xuất trên 1.973 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ; sản lượng thịt bò đạt trên 2.947 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ, sản lượng trâu xuất chuồng đạt 77 tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ.
Nguyễn Thành