Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã và đúng với Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh định hướng phát triển, đưa kinh tế tập thể thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng thời, Ninh Thuận sẽ khuyến khích phát triển bền vững kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng; tạo sức lan tỏa và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đảm bảo lợi ích hài hòa của các chủ thể tham gia.
Ninh Thuận cũng đặt mục tiêu tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức hợp tác xã là nòng cốt; khuyến khích phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vưc nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ, đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém hiện nay, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GRDP của nền kinh tế.
Trong năm 2021, Ninh Thuận phấn đấu đưa giá trị gia tăng của khu vực kinh tế tập thể đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 8,8 - 9%; vận động thành lập mới từ 10-12 hợp tác xã và khoảng từ 10-15 tổ hợp tác thành lập mới; nâng số lượng thành viên thu hút từ 200-300 thành viên, trong đó có khoảng 100-150 thành viên hợp tác xã và từ 100-150 thành viên tổ hợp tác. Bên cạnh đó, tỉnh tạo doanh thu mỗi hợp tác xã từ 2,2-2,25 tỷ đồng/năm; doanh thu mỗi tổ hợp tác từ 260-270 triệu đồng/năm; thu nhập của mỗi hợp tác xã đạt từ 210-220 triệu đồng/năm; tổ hợp tác đạt từ 60-62 triệu đồng/năm; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 100% cán bộ quản lý về quản trị hợp tác xã.
Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã; chấn chỉnh hoạt động của các hợp tác xã để đi vào hoạt động thực chất theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012; từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sau chuyển đổi.
Ninh Thuận cũng sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm; hình thành các vùng chuyên canh, đa dạng hóa sản phẩm; định hướng các tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất cụ thể để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ, xây dựng và hình thành các mô hình liên kết chuỗi trên tất cả các lĩnh vực, tăng cường liên kết về kinh tế giữa các hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc tự chủ, tự nguyện và cùng có lợi, tạo điều kiện cung cấp nguồn đầu vào cho các doanh nghiệp; giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất.
Để phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động trong tổ chức, vận hành của hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận, tính đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 85 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 66 hợp tác xã (chiếm 77,6%), sản xuất tiểu thủ công nghiệp 7 hợp tác xã (chiếm 8,2%), kinh doanh dịch vụ tổng hợp 5 hợp tác xã (chiếm 8,2%), lĩnh vực vận tải 4 hợp tác xã (chiếm 4,7%) và 3 Quỹ tín dụng nhân dân (chiếm 3,5%); 951 tổ hợp tác đang hoạt động.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã luôn tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ. Tính đến 31/7/2020, tổng dư nợ tín dụng hơn 2,6 tỷ đồng/8 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác; trong đó dư nợ vay của ngân hàng thương mại gần 2,2 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 440 triệu đồng.
Với chính sách hỗ trợ về đầu tư, khoa học công nghệ, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại kịp thời, thời gian qua, các hợp tác xã, tổ hợp tác ở Ninh Thuận hoạt động sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả, điển hình như: Hợp tác xã điều hữu cơ Truecoop; Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Châu Rế… Nhiều hợp tác xã đã tham gia liên kết với các doanh nghiệp sản xuất cánh đồng lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị như sản xuất lúa giống, nho, táo, măng tây xanh, ngô giống, điều hữu cơ… Qua đó, đã tạo bước phát triển vững chắc, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng đôi bên cùng có lợi.
Nhờ đó, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã năm 2020 ước đạt 2,15 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân mỗi hợp tác xã ước đạt 210 triệu đồng, tăng 5% so với năm 2019; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 5,3% so với năm 2019. Bên cạnh đó, doanh thu bình quân của mỗi tổ hợp tác năm 2020 ước đạt 220 triệu đồng, tăng 10% so với năm 2019; lợi nhuận bình quân mỗi tổ hợp tác ước đạt 40 triệu đồng/năm, tăng 9,1% so với năm 2019.
Công Thử