Là loại cây có khả năng thích ứng tốt với khí hậu khô nóng, cây trôm không những góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở Ninh Thuận mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ khai thác mủ trôm.
Ông Nguyễn Thành (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) một trong những hộ trồng trôm đạt hiệu quả cao trên đất rẫy khô hạn ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam cho biết, đây là cây bản địa mọc trên núi đá rất nhiều. Trước đây, vào mùa khô, bà con đi cạo mủ bán cho thương lái. Vì khai thác nhiều nên mủ trôm ngày càng khan hiếm. Năm 2010, được sự giúp đỡ Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, ông Thành quyết định ươm hạt gây dựng vườn trôm để lấy mủ.
Trên diện tích 2,5 ha, ông Thành trồng 6.000 cây trôm. Chi phí từ khi trồng đến lúc cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng/ha (sau 5 năm trồng, cây trôm bắt đầu cho thu hoạch mủ). Quy trình lấy mủ quay vòng từ 2-3 ngày/cây, thời gian hết mủ từ 10-15 ngày. Thời gian khai thác mủ trôm hiệu quả nhất là những tháng nắng trong năm, đặc biệt khi thời tiết có mưa không tiến hành khai thác vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và gây bệnh loét lỗ đục ở thân cây.
Mỗi cây trôm cho khoảng 3 - 4 lạng mủ thô/đợt khai thác. Năm ngoái, vườn trôm nhà ông Thành cho thu hoạch khoảng 1,8 tấn mủ/đợt. Giá bán mủ thô tại vườn 32.000 đồng/kg và vườn trôm cho doanh thu khoảng 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón, tưới nước, công cạo mủ, gia đình ông còn lãi khoảng 56 triệu đồng/đợt thu hoạch. Bình quân mỗi năm thu hoạch 2 đợt mủ, có năm thu hoạch 3 đợt, tùy cách chăm sóc.
Bên cạnh khai thác mủ, người trồng có thể tận dụng lá trôm để làm thức ăn cho gia súc như bò, dê, cừu. So với các cây trồng khác, cây trôm dễ trồng, chịu được khí hậu khô hạn, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao - ông Thành chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển huyện Thuận Nam cho hay, trôm có tên khoa học là Sterculia Foetida L, thuộc họ trôm (Sterculiaceae) là loại cây rừng bản địa phát triển tốt ở những vùng đất khô hạn của tỉnh Ninh Thuận. Cây trôm được trồng theo mô hình thâm canh, hỗn giao với các loài cây khác và trồng rừng trên núi đá và phân tán xung quanh nhà để phủ xanh đất trống, chống sa mạc hóa các vùng ven biển theo các chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Hiện cây trôm nằm trong hệ thống các loài cây đã được đưa vào tập đoàn cây trồng chịu hạn của tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích trên 1.000 ha; trồng chủ yếu tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Sơn. Hiện mủ trôm khô có giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg mủ khô (giá bán tùy theo độ trắng, sạch, khô của mủ, khoảng 4 kg mủ tươi được 1 - 1,5 kg mủ khô).
Mủ trôm khô được các cơ sở, công ty chế biến xử lý làm sạch và chuyển thành nhiều dạng khác nhau để phù hợp với yêu cầu của thị trường như làm sang cọng nhỏ, dạng viên, dạng hạt nhỏ, dạng dây dài có giá dao động từ 150.000 đến 390.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mủ trôm khô, màu trắng, vị ngọt tính mát, nhiều vi lượng, khoáng chất như canxi, magie, kali, natri, sắt, glucid. Mủ trôm có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc gan, hỗ trợ điều trị đối với những bệnh về gan, mật, mụn nhọt, nhuận tràng... nên người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm nước giải khát chế biến từ mủ trôm.
Khi ngâm với nước lạnh, mủ trôm sẽ trở thành dạng keo sệt rất giống với tổ yến chưng nên thường được gọi là yến thực vật hay tuyết yến. Bên cạnh đó, mủ trôm được dùng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm. Ngoài giá trị lấy mủ, trôm còn là loại cây thân gỗ to, có thể sản xuất bao bì, bột giấy, ván sợi gỗ, ván dăm.
Để đưa cây trôm trở thành cây trồng lợi thế, tạo thành cây thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ vốn, nhân giống, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và sơ chế giúp các hộ dân phát triển diện tích cây trồng này theo mô hình nông – lâm kết hợp để vừa phủ xanh đất trống, chống xói mòn ở vùng đất núi đá, tạo hệ sinh thái ổn định cho vùng khô hạn, góp phần tăng thu nhập.
Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất trôm theo chuỗi liên kết, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ mủ trôm; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm mủ trôm Ninh Thuận tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Nguyễn Thành