Trái dâu tây chín mọng được trồng thành công ở Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Mô hình trồng cây dâu tây đầu tiên của bà Võ Thị Hương (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là minh chứng cụ thể cho sự thành công đó. Bởi hiện nay mô hình trồng dây tây của bà đang thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm; đồng thời, mở ra hướng phát triển mới từ loại dâu quả này ở vùng đất đầy nắng và gió Ninh Thuận. Dâu tây vốn là đặc sản nổi tiếng xứ lạnh Đà Lạt nên ít ai nghĩ rằng cây dâu tây lại có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở vùng đất khô nóng như Ninh Thuận. Thế nhưng vào thời điểm này, vườn dâu tây của bà Hương đang đồng loạt cho quả chín đỏ mọng, trái thả đong đưa trên chậu rất hấp dẫn. Đặc biệt hơn, du khách có cơ hội được tự tay hái và thưởng thức những quả dâu tây thơm ngon ngay tại vườn. Khác với cách trồng dâu tây ở Đà Lạt, bà Hương đã tự nghiên cứu, thay đổi cách trồng để tạo những trái dâu chín đỏ mọng trên vùng đất nắng. Theo đó, bà Hương không trồng dâu tây trên luống mà trồng trong chậu kê trên giá gỗ và có một bí quyết chăm sóc riêng để tạo ra những trái dâu có hương thơm thoảng vị sữa rất dễ chịu.
Bà Võ Thị Hương (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) chăm sóc vườn dâu tây. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Nói về cơ duyên đến với cây dâu tây, bà Hương cho biết, ban đầu gia đình dự định trồng rau sạch để bán nhưng vì đam mê với dâu tây nên bà mua giống từ Đà Lạt về trồng. Khi mới trồng, do thời tiết Ninh Thuận nắng nóng khiến cây không phát triển, lá có chiều hướng bị úa vàng. Không nản chí, bà tiếp tục kiên trì thay giống dâu tây mua từ Kon Tum về trồng trong nhà kính theo quy trình hướng dẫn. Tuy nhiên, do cây dâu tây rất nhạy cảm với thời tiết khô nóng nên phát triển chậm. Đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, tình cờ bà Hương phát hiện hộp sữa bỏ cạnh thùng rác, thấy trong sữa có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người nên bà Hương nghĩ ra cách dùng sữa để làm nguyên liệu bón cho cây dâu tây. Để ngăn côn trùng không lên ăn và phá rễ cây, bà Hương ủ cho sữa lên men rồi pha loãng với nước tưới cho các chậu dâu tây thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt. “Mình tưới vào buổi sáng sớm thì đến chiều thấy cây dâu khác thường, tiếp qua ngày hôm sau thì lá cây xanh tốt khác hẳn trước đó”, bà Hương chia sẻ. Khi phát hiện được “bí quyết” chăm sóc cây dâu tây bằng hợp chất sữa lên men, bà đi ra các tiệm tạp hóa hỏi mua lại những hộp sữa hết hạn sử dụng, với giá thành rất rẻ đem về ủ lên men để tiếp tục nuôi dưỡng cây dâu tây thật tốt. Vừa trồng, bà Hương vừa tìm hiểu qua sách báo, mạng internet phương pháp để khắc chế những khuyết điểm, giúp cây dâu tây thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương. Tham quan vườn dâu, chị Vũ Khắc Quốc Hương, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh hào hứng cho biết, khi đi qua những trái dâu chín, hoa dâu tây tỏa ra hương thơm rất ngọt ngào. Dâu tây ở đây vỏ căng mướt, chín đỏ đều, quả không quá to, không ngọt lịm mà có vị chua rôn rốt, đặc biệt thoảng hương sữa rất thú vị, mọi người đến vườn còn được thỏa sức chụp ảnh với vườn dâu. Theo lãnh đạo UBND huyện Ninh Phước, mô hình trồng dâu tây trong nhà kính của gia đình bà Hương bước đầu cho thấy loại quả này đang được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Cây dâu tây với lợi thế diện tích trồng nhỏ, cho thu nhập lớn đang mở ra hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho giá trị kinh tế cao ở địa phương. Do đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến cây trồng này, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với chủ trang trại theo dõi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, nghiên cứu triển khai mô hình trồng cây dâu tây trên địa bàn giúp bà con phát triển kinh tế. Hiện tại, vườn dâu tây có hơn 5.000 chậu đang được chăm sóc theo “công thức” tưới hợp chất sữa lên men hòa với nước lã, ngoài ra không dùng bất cứ loại phân nào để chăm sóc cây dâu nên trái rất an toàn cho người sử dụng. Sau khoảng 90 ngày trồng và chăm sóc, vừa qua, gia đình bà Hương thu hoạch lứa dâu tây đầu khoảng 50 kg, bán với giá 300.000 đồng/kg cho du khách. Không chỉ tư vấn miễn phí cho khách tham quan, bà Hương còn tự ươm giống và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng dâu tây chịu nhiệt cho mọi người có nhu cầu. Sau khi thử nghiệm thành công, hiện bà Võ Thị Hương đang mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, quy mô trang trại thêm 2.000 mét vuông trồng đại trà các giống dâu tây của Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản để vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa tạo một điểm du lịch trải nghiệm hấp dẫn cho du khách đi đến Ninh Thuận.
Nguyễn Thành