Đẩy mạnh đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Sản phẩm OCOP  ở Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN
Sản phẩm OCOP ở Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các sở, ngành tỉnh liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trong năm 2024.

Đẩy mạnh đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm OCOP ảnh 1Sản phẩm OCOP  ở Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh hướng đến mục tiêu góp phần quan trọng giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng nông thôn, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho chương trình OCOP, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2024, cùng với việc thực thi chính sách ưu đãi cho các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh còn hỗ trợ cho 13 làng nghề nông thôn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất tạo thêm các sản phẩm OCOP.

Năm 2024, tỉnh có kế hoạch xây dựng và in 1.000 quyển ấn phẩm tuyên truyền các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh tham gia 9 hội chợ ngoài tỉnh nhằm giới thiệu tiềm năng, sản phẩm đặc sản của địa phương; tham gia 1 điểm trưng bày giới thiệu và bán hàng tại miền Trung, Tây Nguyên để giới thiệu sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu chủ lực của tỉnh. Đây là cơ hội để cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tiếp cận với thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín thương hiệu hàng hóa.

Cùng với đó, tỉnh giúp các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP nâng cao giá trị sản phẩm, ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn, chi phí để tập trung đầu tư cho các khâu mang tính thiết yếu, như: đầu tư trang thiết bị, dây chuyền máy móc sản xuất; hỗ trợ sản xuất nâng cao hạng sao sản phẩm; giới thiệu quảng bá và bán hàng OCOP.

Chính sách ưu đãi của tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 50% chi phí cho cơ sở hoặc dự án để mua trang thiết bị, dây chuyền máy móc sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở hoặc dự án; hỗ trợ 100% chi phí thiết kế bao bì nhãn mác sản phẩm OCOP, nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm; hỗ trợ 50 triệu đồng cho cơ sở thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP; hỗ trợ 5 triệu đồng cho sản phẩm OCOP hạng 3 sao được nâng lên hạng 4 sao; hỗ trợ 10 triệu đồng cho sản phẩm OCOP từ hạng 3 hoặc 4 sao lên hạng 5 sao; trường hợp sản phẩm đạt dưới 3 sao nhưng được nâng lên hạng 5 sao ngay từ lần xét duyệt đầu tiên được hỗ trợ 20 triệu đông/sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, tỉnh hiện có 226 sản phẩm OCOP, gồm: 179 sản phẩm hạng 3 sao, 38 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao và 6 sản phẩm tiềm năng hạng 6 sao. Tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh xây dựng 7 cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản tại các khu du lịch trên địa bàn thành phố Trà Vinh, huyện Châu Thành, thị xã Duyên Hải, huyện Càng Long.

Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết, hiện nay công ty đã chế biến 9 dòng sản phẩm từ trái dừa sáp đạt thứ hạng sản phẩm OCOP 4 - 5 sao được bán rộng rãi ra thị trường trong nước. Ngoài ra, công ty còn sở hữu nhiều công thức chế biến món ăn, thức uống từ dừa sáp.

Trước đây, trái dừa sáp của huyện Cầu Kè được xem là đặc sản, nhưng cũng chỉ dành để bán trái cho người tiêu dùng làm quà, chế biến sinh tố, làm kem dừa sáp, với mức giá bình quân từ 100.000 – 120.000 đồng/trái. Nhưng, kể từ khi dừa sáp được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm OCOP đã giúp nông dân trồng dừa sáp theo phương thức hữu cơ ký kết bán sản phẩm dừa trái cho công ty ổn định với tăng giá trị thêm từ 10 – 20%.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, tuy sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự phát triển khá tốt, nhưng bên cạnh đó cũng còn có những hạn chế, vướng mắc, như: qui mô sản xuất nhỏ, việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến còn thấp, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc… Đây là những tồn tại làm cho giá trị sản phẩm OCOP chưa cao, sản phẩm chưa vươn ra được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Vì vậy, ngoài tiếp cận, nắm bắt thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cần mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh; đầu tư mở rộng liên kết sản xuất kinh doanh từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng cho đầu ra sản phẩm. Có vậy, sản phẩm OCOP mới thuận lợi tiếp cận, mở rộng ra thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP đặc sản Trà Vinh.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm