Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, ẩn mình trên dãy núi Tây Côn Lĩnh. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, sương mù kết hợp độ ẩm cao đặc trưng tạo nên những lớp rêu xanh phủ trên mái lá tầng tầng, lớp lớp như đồng bào Dao đã sinh sống và gắn bó với mảnh này đất bao đời, bao thế hệ.
Nét riêng được gìn giữ nhiều đời
Là một xã vùng III nằm ở phía Bắc của huyện Vị Xuyên, xã Phương Tiến cách trung tâm thành phố Hà Giang 12 km. Men theo con đường nhỏ cheo leo uốn lượn như những sợi chỉ mảnh được điểm tô giữa bạt ngàn rừng núi, thôn Xà Phìn ẩn hiện trong lớp mây mù bao phủ quanh năm. Nét đặc trưng dễ thấy nhất là những mái nhà lá cọ được “phủ” một lớp rêu xanh mướt.
Theo Trưởng thôn Xà Phìn Đặng Văn Tháu, sở dĩ những mái cọ nơi đây được phủ rêu bởi đặc thù địa hình núi cao, độ ẩm và mát mẻ quanh năm, mỗi tháng có tới trên dưới 20 ngày mưa nên tạo điều kiện rất thuận lợi để rêu tồn tại và phát triển.
Bao đời nay, từng lớp rêu cứ thế dày lên, tầng tầng lớp lớp như biết bao thế hệ người dân tộc Dao nơi đây đã sinh sống dựa vào dãy Tây Côn Lĩnh. Toàn thôn có 53 hộ dân sinh sống. Đa phần bà con vẫn giữ nguyên nếp nhà, nếp sống cũ, có trên 40 mái lá được rêu phủ quanh năm. Những phên rêu này như những tấm “cách nhiệt”, mùa Hè giúp ngôi nhà mát mẻ, mùa Đông thêm ấm áp.
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ, những nương ruộng bậc thang nhuộm vàng khi mùa lúa chín, rồi lại trở mình như những tấm gương phản chiếu đất trời khi nước đổ hay những gốc chè shan tuyết cổ thụ trăm tuổi và đặc trưng nhất là những mảng xanh rêu phủ trên mái lá cọ đã khiến du khách đắm chìm trong cảnh sắc vùng cao.
Tạm gác lại công việc vài ngày, anh Nguyễn Quyết một mình từ Hà Nội đến với Hà Giang và chọn thôn Xà Phìn làm điểm dừng chân. Anh Quyết chia sẻ, dù đã đi rất nhiều nơi dọc mảnh đất hình chữ S, nhưng không có ở đâu anh bắt gặp những mái nhà phủ rêu xanh nhiều như Xà Phìn. “Nhà lợp mái lá rất nhiều nơi có, nhưng để rêu phủ trên mái quanh năm rất ít. Hơn nữa, ở đây, hầu hết nếp nhà xưa được bà con gìn giữ, vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ, cổ kính, là nét đặc trưng mà không phải ở đâu cũng có” - anh Nguyễn Quyết chia sẻ.
Không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan hùng vỹ, đến với Xà Phìn, du khách còn được cùng bà con trải nghiệm hái chè, tham gia vào các công đoạn sản xuất ra thứ chè shan tuyết nức tiếng, được đắm mình trong dòng nước suối mát lạnh, được tự tay bắt cá trên ruộng bậc thang. Để rồi tối đến, ngồi quây quần bên bếp lửa, du khách thưởng thức những đặc sản địa phương, nghe hát giao duyên và nâng nâng nhấp chén rượu thóc, rượu gạo của đồng bào người Dao.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Được xác định là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến được được đánh giá là “địa điểm có tiềm năng, bao gồm văn hóa dân tộc Dao, có thế mạnh phát triển du lịch trải nghiệm sinh thái, ruộng bậc thang dãy núi Tây Côn Lĩnh, ẩm thực cá Hồi, đồi chè Shan tuyết cổ thụ, cảnh quan đẹp như suối, thác nước. Hiện nay, nhiều đoàn du khách trong nước và nước ngoài vào tham quan du lịch”. UBND tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu triển khai thực hiện xây dựng và công nhận thôn Xà Phìn trở thành Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian thực hiện quý III/2022 và hoàn thành quý IV/2022.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phương Tiến Cấn Văn Hiển, Định hướng phát triển du lịch của địa phương tập trung vào những sản phẩm du lịch bản địa. Đu khách có thể trải nghiệm những phương thức sản xuất nông nghiệp như trồng lúa trên ruộng bậc thang, thu hoạch, chế biến chè, tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các nghi lễ truyền thống của bà con.
Nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch dựa vào tài nguyên sẵn có, một số hộ dân tại Xà Phìn đã bắt tay vào xây dựng, phát triển homestay nhằm phục vụ khách du lịch. Anh Tương Văn Thành, chủ homestay tại thôn Xà Phìn cho biết, với những nét đẹp của thiên nhiên sẵn có, cùng với nét riêng của văn hóa bản địa, du khách tới đây đi một điểm, nhưng được trải nghiệm nhiều thứ. Do đó, dù mới đưa vào khai thác nhưng cơ sở của anh Thành luôn trong tình trạng “full phòng”.
Giữ gìn bản sắc dân tộc, dựa vào đó để khai thác, phát triển du lịch là hướng đi mà nhân dân ở đây hướng tới. Bà con xác định bảo tồn những nét đẹp văn hóa, thích ứng linh hoạt với tình hình mới từ đó cải tạo cơ sở vật chất để vừa tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, vừa có môi trường sống “sạch”. Đó là yếu tố then chốt để phát triển du lịch lâu dài, bền vững.
Theo Trưởng thôn Xà Phìn Đặng Văn Tháu, trước đây, bà con chủ yếu sinh sống bằng việc phát triển nông nghiệp, trồng lúa, đời sống kinh tế khá khó khăn, nhưng từ khi chuyển hướng sang phát triển du lịch, bà con nhận thấy đời sống có nhiều thay đổi, từ việc cảnh quan, môi trường sạch sẽ, đến việc có thêm nguồn thu từ khác du lịch. Thôn đưa ra quy ước, chuồng trại chăn nuôi phải đưa ra khỏi nhà; nhà nào cũng phải có công trình vệ sinh riêng. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều thực hiện tốt.
Thiên nhiên Việt Nam phong phú, cảnh sắc tươi đẹp không chỉ trong mắt du khách Việt mà còn được đánh giá cao bởi du khách quốc tế. Việc đánh thức, phát triển du lịch xanh, du lịch trải nghiệm gắn với đời sống người dân bản địa luôn thu hút được lượng khách du lịch rất lớn. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Xà Phìn vẫn giữ được nguyên trạng những nét hoang sơ, cổ kính, những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Dao, dựa vào đó để khai thác nguồn tài nguyên du lịch. Từ đó, bà con có thêm nguồn thu, nâng cao đời sống.
Nam Thái