Tối 16/9, tại sân vận động huyện Hoàng Su Phì đã diễn ra lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và khai mạc chương trình “Du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” - 2022.
Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết: Hoàng Su Phì là huyện vùng núi nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang hay còn được mệnh danh là vùng đất “vỏ cây vàng” cùng với những dãy núi trùng điệp, như đỉnh Tây Côn Lĩnh, Chiêu Lầu Thi ẩn mình trong sương, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, nhiều di tích, di sản được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, năm 2022, huyện Hoàng Su Phì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu và Lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao xã Túng sán, qua đó nâng tổng số di tích, di sản của huyện lên 6 di tích, di sản cấp Quốc gia (trong đó có 5 di sản văn hóa phi vật thể) và 4 di tích, di sản cấp tỉnh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Những năm qua, UBND tỉnh Hà Giang xác định việc phát triển du lịch bền vững là một trong những chương trình trọng tâm, trong đó đặc biệt coi trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị tự nhiên; lấy du lịch sinh thái, du lịch văn hóa làm nền tảng để phát huy tính đặc thù tài nguyên du lịch, nhằm tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, phát triển thể chất, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần nhân dân, cải thiện điều kiện sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định đưa lễ hội Bàn Vương của dân tộc Dao xã Hồ Thầu và lễ cầu mùa dân tộc Cờ Lao xã Túng Sán vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, còn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
Chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” được diễn ra xuyên suốt từ nay đến hết tháng 9 với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, hoạt động biểu diễn dù lượn "Trên những bậc thang vàng", trưng bày sản phẩm và không gian chợ phiên. Ngoài ra, chương trình còn các hoạt động thể thao, trải nghiệm du lịch, văn hóa và sinh thái tại các xã, thị trấn trong toàn huyện Hoàng Su Phì. Thông qua các hoạt động ý nghĩa tại chương trình góp phần tạo ra chuỗi các sự kiện văn hóa để phát huy hiệu quả giá trị Di sản danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang và các vốn văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Hoàng Su Phì trong phát triển du lịch.
Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì trải dài hơn 3.700 ha, thuộc 24 xã, thị trấn trong huyện và được hình thành cách đây hàng trăm năm bởi sức lao động của cộng đồng các dân tộc La Chí, Dao, Nùng. Ruộng bậc thang là hình thức canh tác trên đất dốc ở sườn núi, tạo ra các tầng bậc rồi dẫn nước từ các vùng núi cao tạo thành các ruộng bậc thang để canh tác lúa.
Với bàn tay khéo léo cùng các nông cụ thô sơ, như cuốc, xà beng, dao, cày, bừa..., đồng bào các dân tộc nơi đây đã tạo nên những thửa ruộng đồ sộ hàng trăm bậc. Họ biến những quả đồi, ngọn núi thành những tòa tháp bậc thang với vẻ đẹp hùng vĩ. Không gian ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đẹp nhất vào mùa nước đổ (khoảng tháng 4 - 6 hàng năm) và mùa lúa chín (tháng 9 - 10 hàng năm).
Đến Hoàng Su Phì tháng 9 này, du khách không chỉ được tận hưởng điều kiện khí hậu đặc trưng của vùng cao nơi đây, còn được ngắm cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt với những dãy núi trùng điệp Tây Côn Lĩnh ẩn mình trong sương, những cánh rừng nguyên sinh nằm xen kẽ giữa những nhánh sông, suối đầu nguồn; tận mắt trải nghiệm những nương chè san tuyết cổ thụ, hay những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ; trải nghiệm những lễ hội hết sức kỳ bí và độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Thông qua chương trình “Du lịch qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” - 2022 góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, di sản, con người của Hà Giang nói chung, huyện Hoàng Su Phì nói riêng, cũng như gắn với việc giới thiệu, bán các các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng qua các sàn giao dịch điện tử, từ đó giúp người dân Hà Giang tiêu thụ tốt các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các sàn giao dịch điện tử, tạo tiền đề cho việc số hóa thương mại.
Minh Tâm