Đắk Nông tạo thuận lợi để người dân vay vốn xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Đắk Nông tạo thuận lợi để người dân vay vốn xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Nông, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (gọi tắt là Nghị định 78), dư nợ tín dụng ưu đãi trên địa bàn là hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 120 lần so với năm 2004 (thời điểm thành lập tỉnh).

Đắk Nông tạo thuận lợi để người dân vay vốn xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ảnh 1Gia đình anh K'San, dân tộc Ê Đê, ở xã Đăk Som, huyện Đăk Glong vay vốn từ Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đầu tư trồng cà phê, mua máy móc phục vụ sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp Đắk Nông đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có hơn 69.000 khách hàng là hộ nghèo, đối tượng chính sách; trong đó, hơn 38.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn (dư nợ riêng nhóm khách hàng này là hơn 1.200 tỷ đồng). Giai đoạn 2004 - 2022, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp hơn 56.000 lượt hộ dân thoát nghèo; gần 27.000 lao động được tạo việc làm. Toàn tỉnh có hơn 40.000 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây mới gần 3.000 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, hộ khó khăn về nhà ở…

Hiện, toàn tỉnh có gần 1.600 tổ tiết kiệm vay vốn tại 789 thôn, bon, buôn, tổ dân phố. Đây là cầu nối mang nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người dân. Hoạt động điểm giao dịch tại các xã được duy trì ổn định, hiệu quả. Đến nay, Đắk Nông có đủ 71 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình vay vốn, trả nợ ngân hàng.

Cũng theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, liên tục trong các năm qua, đơn vị đều ghi nhận chất lượng tín dụng cao. Đến hết tháng 6/2022, nợ quá hạn tại Ngân hàng chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 78, nguồn lực về vốn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của địa phương. Chất lượng tín dụng giữa các địa phương, đơn vị nhận ủy thác chưa đồng đều. Công tác lồng ghép nguồn vốn vay với các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư chưa được chú trọng đúng mức dẫn tới nhiều trường hợp sử dụng vốn vay chưa hiệu quả.

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm