Trong 2 ngày (11 – 12/7), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Đắk Lắk tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đợt đánh giá, phân hạng lần này, tỉnh Đắk Lắk có 30 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược của 18 chủ thể là các hợp tác xã, Công ty Trách nhiệm hữu hạn và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Cư M’gar, Krông Ana. Đây cũng là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc trưng vùng miền ở các địa phương đã được đầu tư về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc rõ ràng.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh: Chương trình OCOP triển khai đến nay đã được 5 năm đồng bộ, rộng khắp trong tỉnh và thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa, nhu cầu của địa phương.
Trong bối cảnh người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao thì việc tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị, thương hiệu, có nét đặc sắc riêng của vùng miền là xu thế chung. Chương trình OCOP là hướng đi, lựa chọn đúng đắn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương yêu cầu, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh cùng các chuyên gia đánh giá, xem xét, phân hạng sản phẩm phải chặt chẽ, khách quan, công tâm, chính xác để sản phẩm được công nhận, phân hạng đạt yêu cầu về chất lượng, uy tín…
Sau khi xem xét, đánh giá hồ sơ các sản phẩm, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk đã chọn được 1 sản phẩm tiềm năng để làm hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia) và 29 sản phẩm xếp hạng OCOP 3 - 4 sao.
Trong đó, bộ quà tặng socola cao cấp (Hương sắc Tây Nguyên) của Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn có số điểm đánh giá cao nhất (92 điểm) là sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao gồm: Trà mãng cầu Nguyễn Văn (hộ kinh doanh Nguyễn Sơn), Yến sào Thành Dung (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Dung), đều đến từ đơn vị huyện Krông Pắk; Bột ca cao 3 in 1 của Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana). 26 sản phẩm còn lại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Sau khi đánh giá, phân hạng, sản phẩm đạt các tiêu chí sẽ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp giấy chứng nhận. Các sản phẩm được công nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành.
Công ty TNHH ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) hiện có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và một sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ông Trương Huy Quang, Giám đốc Công ty cho biết, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh được thành lập với sự tham gia của nhiều sở, ban, ngành, có tính chuyên môn cao.
Do đó, qua các hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cùng những góp ý từ thành viên hội đồng, từ chuyên gia đã giúp cải thiện, nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP. Ngoài ra, thời gian qua, các sở, ngành cũng đã tích cực hỗ trợ quảng bá sản phẩm OCOP trong các sự kiện về du lịch, kết nối giao thương. Tuy nhiên, người dân trên địa bàn tỉnh biết về sản phẩm OCOP và nhu cầu tìm mua sản phẩm OCOP còn hạn chế.
Thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sản phẩm OCOP; có các chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, tiếp cận chính sách hỗ trợ xây dựng cửa hàng phân phối sản phẩm và giao lưu, kết nối với các tỉnh, thành khác để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các địa phương. Như vậy, tỉnh vừa khai thác, phát huy được thế mạnh của sản phẩm OCOP, vừa giúp các đơn vị, hộ kinh doanh, hợp tác xã mặn mà, ủng hộ, tham gia chương trình OCOP mạnh mẽ hơn.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao (19 sản phẩm đạt 4 sao, 118 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP; năm 2030 có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Các sản phẩm nâng dần chất lượng, hạng sao, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước một cách thiết thực.
Hoài Thu