Những năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cán bộ cùng các tầng lớp nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của thành phố. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.
* Chất lượng môi trường được cải thiện
Sau 7 năm điều chỉnh địa giới hành chính, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đã được chỉ đạo quyết liệt với một khối lượng công việc rất lớn. Chính quyền thành phố đã tập trung đầu tư cho nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là việc kiểm soát và xử lý ô nhiễm nên chất lượng môi trường được cải thiện rõ rệt.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đ ến nay các khu công nghiệp, các bệnh viện và hầu hết các khu đô thị, khách sạn lớn đã quan tâm đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải, chất thải. Đặc biệt, hai trạm xử lý nước thải đô thị đầu tiên ở khu Kim Liên, hồ Trúc Bạch và nhiều dự án xử lý nước thải đô thị chung đã được xây dựng. Thành phố đã hoàn thành xử lý ô nhiễm tại 13 hồ trên địa bàn, góp phần cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh- TTXVN |
Bên cạnh đó, thành phố huy động các nguồn lực để triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng các dự án xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp theo hướng giảm lượng rác thải chôn lấp, tăng lượng rác thải được xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng như: lò đốt chất thải công nghiệp công suất 200kg/giờ tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, lò đốt rác thải sinh hoạt, 2 dây chuyền đốt rác tại Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất 300 tấn/ngày… Thành phố cũng xây dựng mô hình thí điểm nâng cấp bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai và Ứng Hoà.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chủ động rà soát, lập danh mục và hướng dẫn di chuyển các cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch (khoảng hơn 400 đơn vị). Trung bình hàng năm, các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 200 - 300 cơ sở; xử lý hình sự và khởi tố hàng chục vụ vi phạm về bảo vệ môi trường.
* Tồn tại những mối lo ô nhiễm
Đề cập đến những vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia khoa học cho rằng, Hà Nội vẫn thiếu tư duy quy hoạch môi trường. Cụ thể, chưa có tư duy đầy đủ về quy hoạch môi trường trong các dự án phát triển; chỉ tiêu môi trường và hạ tầng môi trường thấp; chưa có giải pháp phòng ngừa tai biến thiên nhiên. Phần lớn các quy hoạch như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom rác thải, các bãi chôn lấp rác…, được xây dựng khi chưa có quy hoạch chức năng môi trường, dẫn đến hiệu quả kém, thậm chí xung đột với nhau.
Cũng từ thực tế triển khai cho thấy, mặc dù là đô thị điển hình cho cả nước, có Luật Thủ đô riêng nhưng do chưa có các quy định riêng về công cụ và chế tài xử lý vi phạm đầy đủ nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ngày càng gia tăng.
Đáng chú ý là ô nhiễm không khí (bụi và khí độc khu vực nội thành, các công trường xây dựng, các khu vực làng nghề và khu công nghiệp, đốt rơm sau thu hoạch); ô nhiễm chất thải rắn, rác thải sinh hoạt không phân loại tại các đô thị; ô nhiễm môi trường tại các bãi rác; ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư nông thôn…
Hiện các lưu vực nước mặt của Hà Nội vẫn trong tình trạng ô nhiễm nặng nề; các sông thoát nước chính trong nội thành và các kênh thoát nước nội đô và một số hồ đô thị có mức độ ô nhiễm hợp chất N, P và chất hữu cơ cao. Tương tự, nước ngầm ở nhiều khu vực nội đô và ngoại thành cũng ở tình trạng ô nhiễm bởi các thành phần NO3, PO4 - 3, các kim loại nặng As, Fe và có xu hướng gia tăng do sự lan truyền các chất ô nhiễm tự nhiên từ nguồn nước mặt ô nhiễm và việc quản lý khai thác nước ngầm còn bất cập.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Với 1.350 làng nghề và làng có nghề trên địa bàn thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là do ý thức người dân. Tuy nhiên các cơ quan quản lý chưa chú trọng việc kiểm tra, xử lý, thậm chí đôi lúc, đôi nơi còn thiếu trách nhiệm; trong khi đó, đa phần cơ sở sản xuất, hộ gia đình không có kinh phí đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom phân loại chất thải rắn; thiết bị, công nghệ sản xuất vẫn lạc hậu, mặt bằng chật hẹp. Mặt khác, thành phố vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng thiếu hợp lý phân bón hoá học, hoá chất bảo vệ thực vật; suy giảm đa dạng sinh học do phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch.
Một bất cập nữa là ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng tuy đã được cải thiện nhưng việc chuyển biến trong hành động còn hạn chế; chưa phát huy hết tiềm năng của lực lượng cán bộ khoa học môi trường lớn của các trường đại học và nghiên cứu tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường Thủ đô.
* Thách thức song hành cùng sự phát triển
Theo dự báo, những thách thức và áp lực lên môi trường thành phố ngày càng lớn do gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu công nghiệp hình thành tạo ra một lượng chất thải, nước thải khá lớn. Việc lạm dụng quá mức các loại phân bón, hoá chất trong sản xuất nông nghiệp cũng là một áp lực đối với môi trường sinh thái và sức khoẻ con người. Song, với cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ như hiện nay thì việc thực hiện xử lý các nguồn chất thải này là điều chưa thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều.
Hiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường chưa được phát triển đồng bộ, tổ chức và năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu, tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu, khu vực ngày càng lớn và phức tạp hơn. Thách thức trong việc lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc đề xuất các chính sách phát triển của thành phố và tập trung các nguồn lực cho phát triển của Thủ đô để có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới, với nhiều thách thức, khó khăn, Hà Nội tiếp tục đặt trọng tâm vào việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách về môi trường đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, theo hướng minh bạch, phù hợp với quy định của Luật Thủ đô, Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra và xử lý kiên quyết các vi phạm…
Hà Nội đã có lộ trình cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức, trách nhiệm của các tổ chức và người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Bởi chính cộng đồng là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm./.