Là tỉnh nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, cũng là nơi đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, giải quyết việc làm và giảm nghèo luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Thời gian qua, Hà Giang đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống của bà con dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Giang cho biết: Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 23.378 lao động, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, có 6.962 lao động làm việc tại địa phương, 16.425 người làm việc ngoài tỉnh và 147 lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài. Dự kiến trong năm 2024, Hà Giang sẽ tạo việc làm cho trên 30.500 lao động, đạt 167% kế hoạch đề ra, tăng 9,86% so với năm 2023.
Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác xuất khẩu lao động. Qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới trong tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Hà Giang đã đưa 147 lao động đi làm việc ở các quốc gia như Nhật Bản (93 người), Đài Loan (46 người), Hàn Quốc (2 người), Rumani và một số nước khác (6 người). Đưa lao động đi làm việc cho các nhà máy, xí nghiệp tại các tỉnh, thành phố trong nước với trên 16.000 người. Lao động tại địa phương với gần 7.000 người tham gia vào các ngành nông nghiệp, dịch vụ và sản xuất tại chỗ… Những con số ấn tượng này thể hiện nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành chính sách lao động.
Có thể nói, để đạt được những thành tựu trên, Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực như, dựa trên thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp huyện Ma Li Pho, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang đã tổ chức đưa 7.603 lao động sang Trung Quốc làm việc theo hình thức hợp pháp. Đây là cơ hội để người lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức các hội chợ việc làm tại các huyện như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên, Bắc Quang, Mèo Vạc... Tổ chức trên 160 hội nghị tư vấn, hướng nghiệp qua đó đã thu hút gần 13.000 người tham gia, đặc biệt là học sinh khối lớp 12 giúp định hướng nghề nghiệp cho các em.
Cùng đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Giang cũng đã hỗ trợ đào tạo nghề và kết nối cung cầu lao động qua việc giới thiệu thành công việc làm cho gần 900 lao động tại các tỉnh và hỗ trợ gần 160 người đăng ký tìm việc làm trực tuyến. Thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tuyến ba cấp, với gần 200 điểm cầu, nhằm xúc tiến đưa lao động đến làm việc tại tỉnh Bắc Giang. Đây là minh chứng cho sự kết nối hiệu quả giữa các địa phương trong cả nước, đồng thời mở ra cơ hội cho người lao động tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao hơn.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, Hà Giang vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc giải quyết việc làm, như: Là địa phương có tỷ lệ lớn đồng bào dân tộc thiểu số nên chất lượng lao động còn hạn chế, thiếu lao động có tay nghề cao. Cơ hội việc làm tại chỗ chưa đa dạng, phần lớn lao động phải rời quê hương để làm việc tại các tỉnh, thành phố hoặc đi xuất khẩu lao động. Cơ chế hợp tác lao động xuyên biên giới cần hoàn thiện hơn để bảo vệ quyền lợi người lao động… Song với chiến lược phát triển rõ ràng và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, Hà Giang được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt những bước đột phá. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh không chỉ tạo việc làm mà còn nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.
Giải quyết việc làm cho người lao động tại một tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn như Hà Giang không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng. Thành công của Hà Giang trong thời gian qua là tiền đề để Hà Giang tiếp tục phát triển, đưa đời sống nhân dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, từng bước vươn lên nơi địa đầu cực Bắc của cả nước./.
Minh Tâm