Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Xây dựng thương hiệu cho mật ong Nghĩa Bình

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Xây dựng thương hiệu cho mật ong Nghĩa Bình
Kiểm tra đàn ong tại xã Nghĩa Bình. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Kiểm tra đàn ong tại xã Nghĩa Bình. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN
Với lợi thế là đất rừng trồng cây nguyên liệu như: keo, tràm… cho các nhà máy sản xuất công nghiệp lên đến 3.500 ha và diện tích đất tự nhiên lớn nên rất thuận lợi cho ong rừng phát triển khi. Từ lợi thế đó, người dân ở đây đã thuần hóa được loại ong rừng và nuôi ở vườn của mình để khai thác mật, trở thành nghề nuôi ong lấy mật đặc trưng giúp nhiều nông dân xã Nghĩa Bình xóa đói giảm nghèo, dần dần ổn định cuộc sống. Gia đình ông Phan Xuân Trang, làm nghề nuôi ong lấy mật ở xã Nghĩa Bình đã hơn 10 năm nay cho biết, gia đình hiện đang nuôi 100 đàn ong lấy mật. Năm nào mà khách mua nhiều, gia đình thu về gần 140 triệu đồng, còn bình thường hơn 80 triệu đồng. Thức ăn của ong từ tự nhiên nên gần như người nuôi không phải bỏ nhiều chi phí. Ông Phan Thanh Hùng, xã Nghĩa Bình chia sẻ, ở Nghĩa Bình thuận lợi có nhiều cây mọc tự nhiên, có nhiều loại hoa nên rất tốt để con ong phát triển và cho sản lượng mật cao, chất lượng mật tốt. Nghề nuôi ong rừng lấy mật không khó, chỉ cần nắm được tập tính của loài ong, chú ý theo dõi là có thể chăm sóc được chúng. Các hộ nuôi ở đây có người nuôi nhiều, có người nuôi thời vụ nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã Nghĩa Bình có hơn 200 hộ nuôi với gần 600 đàn. Một đàn ong mỗi năm cho trung bình khoảng 4 lít mật. Các hộ nuôi ong như ông Trang, ông Hùng bán giá tại vườn là 400 ngàn đồng/lít. Để nghề nuôi ong rừng lấy mật đạt hiệu quả hơn, các hộ nuôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi ong. Xã Nghĩa Bình cũng đã thành lập Tổ hợp tác xã nuôi ong để thu hút bà con tham gia, mở rộng quy mô đàn ong, cùng nhau phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật. Tuy có tiềm năng và thế mạnh để phát triển nhưng hiện nay nghề nuôi ong lấy mật ở xã Nghĩa Bình chủ yếu là phát triển tự phát, nhỏ lẻ. Mật ong Nghĩa Bình đã được giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh Nghệ An và được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng. Tuy nhiên, do nuôi nhỏ lẻ ở các gia đình nên lượng mật ong bán ra vẫn còn hạn chế so với nhu cầu càng càng tăng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc chưa tạo dựng được thương hiệu, người tiêu dùng vẫn chưa biết nhiều về mật ong Nghĩa Bình khiến giá trị chưa được kỳ vọng và thiếu ổn định. Vì thế, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là hướng đi đúng đắn để để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh địa phương. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết, nhiều năm qua, mật ong Nghĩa Bình chất lượng tốt, nghề nuôi ong mang lại thu nhập hiệu quả cho từng hộ gia đình. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu đặc trưng để người tiêu dùng có thể biết đến. Hy vọng sau khi tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, mật ong Nghĩa Bình vươn ra thị trường tất cả các địa phương trong nước. Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch đang là xu thế của người tiêu dùng. Để làm được điều đó, sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, phải sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... Chương trình mỗi xã một sản phẩm là giải pháp kịp thời nâng tầm đặc sản nông thôn địa phương không chỉ ở Tân Kỳ mà còn các địa phương khác ở Nghệ An, tăng thêm giá trị kinh tế, ổn định cho người nông dân. Điều đó được chứng minh qua sự hiệu quả của hai sản phẩm trứng gà sạch Nghĩa Hoàn và cam Tân Phú của huyện Tân Kỳ khi tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Công Trung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ cho biết, trong năm nay, mật ong Nghĩa Bình là 1 trong hai sản phẩm của huyện Tân Kỳ đã đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Nghệ An. Phòng cùng với các tổ chuyên môn đã hướng dẫn, tư vấn cho bà con về những yêu cầu, bộ tiêu chí để được tham gia chương trình. Bên cạnh đó, ngành cũng kiểm tra chặt chẽ cách thức, quy trình bà con ở Nghĩa Bình nuôi ong lấy mật đảm bảo đúng chất lượng sản phẩm. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giúp mật ong Nghĩa Bình xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng ổn định, lâu dài.
Nguyễn Oanh

Có thể bạn quan tâm