Chị Vi Thị Phương với mô hình trồng chè “7 không”

Chị Vi Thị Phương với mô hình trồng chè “7 không”

Về xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chúng tôi rất ấn tượng khi thăm đồi chè xanh mướt được trồng theo mô hình hữu cơ cam kết “7 không” của chị Vi Thị Phương người dân tộc Nùng, một điển hình tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang rất được chú trọng tại địa phương.

DJI_20240124105833_0009_D.JPG
Chị Vi Thị Phương với đồi chè sản xuất theo phương pháp hữu cơ " 7 không". Ảnh: Hương Hiền

Trước đây, gia đình chị Phương cũng như nhiều hộ dân trong vùng chủ yếu sản xuất chè theo cách thức truyền thống, nhiều năm quanh quẩn với việc bón phân hóa học, phun thuốc, thu hái, sao sấy và mang ra chợ bán. Gắn bó với cây chè từ thuở nhỏ, chị Phương cho biết, chè là cây lâu năm nên nguồn sâu bệnh luôn tồn tại và tích luỹ nhiều trên nương chè, nhất là thời kỳ cây chè sinh trưởng mạnh cũng là thời gian thu hái búp thì áp lực từ sâu bệnh càng lớn. Để đảm bảo năng suất chè lại phải thường xuyên phun thuốc trừ sâu, dù mỗi lần phun tuân thủ đúng thời gian cách ly theo khuyến cáo, song chị cảm thấy vẫn không hết được lượng hóa chất tồn dư trên cây chè. Chưa kể, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, làm cho cỏ chết đồng nghĩa với hệ vi sinh vật dưới lòng đất cũng chết. Chính từ những bất cập đó chị Phương luôn ấp ủ mong muốn sẽ đưa ra thị trường sản phẩm chè sạch, an toàn, chất lượng theo hướng hữu cơ vì không chỉ đem lại môi trường tốt hơn cho sức khỏe người trồng, người tiêu dùng mà còn đem lại giá trị cao hơn cho từng búp chè.

z5116008292702_a607ad10dc3b07f6b1fd9e9fd49bed26.jpg
Cổng vào đồi chè hữu cơ của chị Phương độc đáo với các khẩu hiểu " 7 không" . Ảnh: Hương Hiền

Ngay đầu khu vực trồng chè của mình, chị Phương đã làm một chiếc cổng trang trí bắt mắt có ghi nội dung cam kết chè Vi Phương “7 không”: Không hương liệu, không chất tạo màu, không chất bảo quản, không kích thích tăng trưởng, không phun trừ cỏ, không phun hoá học, không phân bón hóa học... Đây cũng là cam kết làm nên sản phẩm chè sạch an toàn đặc biệt riêng của chị Phương.

z5116008354476_1449b90743ac38df498d5e62c0b500aa.jpg
Từng búp chè được chị Phương tỉ mẩn chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp sản xuất hữu cơ. Ảnh: Hương Hiền
1vg.jpg
Đồi chè xanh mướt không bị tác động bởi thuốc hóa học. Ảnh: Hương Hiền

Chị Phương chia sẻ: “Phương pháp trồng chè hữu cơ dù tốn kém hơn về chi phí và thời gian nhưng đổi phương pháp này hoàn toàn thân thiện với môi trường. Quan trọng là an toàn sức khỏe cả người trồng chè và người dùng chè. Chè hữu cơ của tôi có nhiều điểm khác hẳn so với các loại chè thông thường. Khi pha chè nước chè có màu vàng chanh, pha đến nước thứ ba thứ tư màu nước chè vẫn có màu vàng chanh vậy như lần đầu.”

z5116008217237_14bdfcd9e963f541781a36488af9f5d0.jpg
Cây ớt được trồng ven đồi chè vừa làm hàng rào, vừa lấy nguyên liệu để sản xuất thuốc trừ sâu bệnh cho chè. Ảnh: Hương Hiền

Bằng lương tâm, lòng kiên trì, khát khao thay đổi và được sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia, chị Phương đã biến sản phẩm chè truyền thống thành chè an toàn hướng hữu cơ, có giá trị kinh tế cao được quảng bá tại nhiều nơi trong và ngoài nước. Để trau dồi cách thức làm chè mới, chị Phương đã tham gia các khóa học về kỹ thuật sản xuất chế phẩm sinh học. Đặc biệt năm 2022 chị may mắn được tham gia lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ vi sinh trong trồng trọt do Trung tâm Hoa Kỳ (Đại sứ quán Hoa Kỳ), Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Hội Nông dân huyện phối hợp tổ chức. Tại đây, chị được tiếp cận phương pháp thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, bền vững, phát huy tài nguyên bản địa.

z5116008517406_85a4a613fb7dd7c8c25cc0289f177e69.jpg
Các loại chế phẩm sinh học hữu cơ được chị Phương sử dụng hoàn toàn cho việc sản xuất chè. Ảnh: Hương Hiền

Từ những kiến thức đã học, chị kiên trì từng bước áp dụng trên diện tích chè của gia đình. Chị đã nghĩ ra cách trồng xen canh chè và chuối. Bao quanh vườn chè xanh tốt là chuối tiêu, xen với đó là cây xả, ớt tạo hàng rào đẹp mắt. Các gốc chè, gốc chuối được chị đặt bao tải phân đã hoại mục từ cỏ dại. Đây là cách tạo phân bón tại chỗ. Trồng chuối giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp kali tự nhiên, thân chuối sau khi thu hoạch sẽ được ấp vào gốc cây vừa bổ sung khoáng chất cho chè, vừa giúp ngăn ngừa cỏ mọc. Còn các loại cây xả, ớt để làm nguyên liệu thuốc trừ sâu thảo mộc...

z5116008443715_4f2bacb402b451b7ef570e831a2af819.jpg
Chị Phương tự chế các chế phẩm sinh học từ men vi sinh gốc. Ảnh: Hương Hiền

Chị còn tự làm các chế phẩm sinh học để chăm bón cho diện tích gần 4. 000 m2 trồng chè của mình. Chị Phương chia sẻ, nhờ áp dụng triệt để những gì được học, thời gian qua chị không mất tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu như trước nữa, chỉ phải mua các nguyên liệu để làm chế phẩm. Để làm ra loại chế phẩm sinh học này mất khoảng 10 – 15 ngày ủ men vi sinh, tất cả cho vào thùng ngâm ủ, dùng que gỗ khuấy đều mỗi ngày. Hiện chị đã sản xuất ra 4 loại chế phẩm sinh học khác nhau từ men vi sinh gốc.

z5116008173838_5ea3a15d2532c33f1e95a93bb4c21470.jpg
Các sản phẩm trà được sản xuất 100% theo phương pháp hữu cơ của chị Vi Thị Phương được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Hương Hiền

Các chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ được làm từ nước sạch, sữa chua, đường, men tiêu hoá, men rượu, cám gạo. Để làm phân bón hữu cơ tổng hợp thì lấy vi sinh gốc ngâm ủ với hỗn hợp đỗ tương rang, ốc bươu vàng, phế phẩm như thức ăn thừa, xương động vật, rau củ quả... bã của phần nguyên liệu sau khi ngâm ủ sẽ được mang đi trộn với tro bếp, phân gà ủ bón cho cây trồng.

Đối với thuốc trừ sâu thảo mộc thì chị lấy vi sinh gốc ngâm với tỏi, ớt, cây xuyến chi, măng tre, riềng, lá mật gấu ngâm. Để kích mầm chè, chị dùng vi sinh gốc ngâm với trứng gà, giá đỗ, hành tây, vỏ quả chuối và viên B1, còn kali chuối tạo độ ngọt, đậm cho chè thì ngâm riêng...

z5116008567505_fbb7f4f15dabf2764c949411b7a200e5.jpg
Trà được sản xuất theo phương pháp hữu cơ mang đậm vị và màu sắc riêng có. Ảnh: Hương Hiền

Sau khi áp dụng phương pháp canh tác này, chị thấy chất lượng sản lượng chè thay đổi rõ rệt. Lá chè xanh, dày hơn, nước chè có vị ngọt, thơm, đậm, năng suất tăng lên từ 2kg -5kg/sào tuỳ lứa. Thay vì phải mang ra chợ bán như trước thì nay khách đã tự tìm đến chị đặt hàng, giá chè cũng tăng lên từ 100 nghìn đồng/kg lên 500 nghìn đồng/kg. Sản phẩm chè của chị Phương còn được xuất bán đến tay người tiêu dùng nước ngoài như: Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Lào, Thái Lan...

Ông Triệu Văn Luỹ , Bí thư Đảng ủy xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chè không phải là thế mạnh của xã Quang Sơn, tuy nhiên bằng cách làm sáng tạo, tâm huyết chị Vi Thị Phương đã tạo được điểm nhấn bằng việc sản xuất chè hữu cơ “7 không” với mục tiêu không vì lợi nhuận mà vì đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình của chị Phương là điển hình về nông nghiệp tuần hoàn, bảo vệ sức khoẻ, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, cần được nhân rộng. Vừa qua chị Phương cũng đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xóm La Giang với tất cả 17 thành viên đa số là bà con dân tộc Nùng, hỗ trợ và giúp đỡ bà con cùng nhau sản xuất chè hữu cơ. Đồng thời xã Quang Sơn cũng sẽ tích cực ủng hộ và xây dựng sản phẩm chè sạch nơi đây sớm trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hữu cơ”.

Hương Hiền

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm